Doanh nghiệp đói vốn do nhà đầu tư mất niềm tin chưa xuống tiền mua nhà?

Hà Phong

(Dân trí) - Theo VARS, nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản. Trong khi nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà.

Nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng

Mặc dù ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... nhưng doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Trong đó, có các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.

Kết quả khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác động tới doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đói vốn do nhà đầu tư mất niềm tin chưa xuống tiền mua nhà? - 1

Doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Hiện nay, hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, dòng tiền từ các kênh này đều đang "trục trặc".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - đánh giá, thị trường trái phiếu đã có một số tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa giải quyết được nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026. Đó là hệ lụy của sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với số lượng phát hành tăng đột biến vào giai đoạn 2019-2021.

Cũng theo ông, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà. Trong khi điều kiện vay tín dụng ngân hàng ngày càng có xu hướng "thắt chặt" để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch... trên thị trường gần như bị ngưng trệ", ông Đính nêu.

Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất... Đồng thời, điều đó gián tiếp gây ra những hệ lụy về lâu dài cho nền kinh tế.

Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn lớn

Theo các dữ liệu công khai từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ quý II năm ngoái, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ghi nhận hàng loạt thông tin tiêu cực. Việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp  nói chung, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng bị "chặn".

Cùng với đó là sự kiểm soát, cảnh báo từ cơ quan chức năng, các văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh và minh bạch. 

Doanh nghiệp đói vốn do nhà đầu tư mất niềm tin chưa xuống tiền mua nhà? - 2

Một dự án bất động sản dở dang ở quận Hoàng Mai, Hà Nội xây dựng dở dang do thiếu vốn (Ảnh: Hà Phong).

Trước những lo ngại của các cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng bất đối xứng thông tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Doanh nghiệp phát hành sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, kinh doanh thua lỗ dẫn đến rủi ro cho trái chủ. Đặc biệt là hiện tượng các ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức, kinh nghiệm...

Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ liên tục tụt giảm kể từ tháng 6 năm 2022 và chỉ ghi nhận sự cải thiện trở lại kể từ tháng 3 năm nay nhờ Nghị định số 08 của Chính phủ và một số động thái từ phía ngân hàng Nhà nước.

Nhóm ngành bất động sản xếp vị trí thứ 2 trong tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm nay với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn ở phía trước, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi. Về cơ bản chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác.

Còn theo nhận định của FiinRatings, trong các tháng tiếp theo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường.

Cụ thể, quý IV năm nay là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến hơn 65.000 tỷ đồng (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm