Hệ lụy từ "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại Khánh Hòa

Trung Thi

(Dân trí) - Mua biệt thự tại dự án Movenpick Resort Cam Ranh (Khánh Hòa), nhiều khách hàng chưa được nhận sổ đỏ do bị vướng chính sách.

Thời gian gần đây, một số khách hàng mua biệt thự của dự án Movenpick Resort Cam Ranh đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa kêu cứu, để mong sớm nhận được quyền lợi theo hợp đồng đã thỏa thuận với chủ đầu tư.

Mong muốn quyền lợi khách hàng được đảm bảo

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Nguyễn Thị Lê Minh - chủ sở hữu căn biệt thự số hiệu MOV 43-01, thuộc dự án Movenpick Resort Cam Ranh cho biết, vào tháng 7/2019, bản thân chị biết đến dự án trên và tham gia mua để đầu tư.

Để mua căn biệt thự MOV 43-01 rộng 430m2, chị Minh đã chi gần 22 tỷ đồng. Đến giữa năm 2020, chị đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (đóng 95% giá trị hợp đồng), tuy nhiên đến nay chị chưa nhận được Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo như điều khoản hợp đồng.

"Khi ký hợp đồng mua bán có thể hiện đây là loại "đất ở nông thôn - đất ở không hình thành đơn vị ở". Bên cạnh đó, chủ đầu tư cam kết sẽ cấp sổ đỏ để sở hữu lâu dài căn biệt thự mà chúng tôi đã mua. Tuy nhiên đến nay đã hơn một năm kể từ ngày nhận bàn giao biệt thự, nhưng tôi vẫn chưa nhận được sổ đỏ" - chị Minh chia sẻ.

Cũng mua biệt thự tại dự án, anh Lữ Minh Tiến cho biết, bản thân cũng đầu tư gần 30 tỷ đồng để sở hữu một căn biệt thự với diện tích gần 500 m2 tại dự án Movenpick. Khi tham gia đầu tư, anh cũng nhận được cam kết sẽ sở hữu lâu dài.

"Tôi mua vào tháng 10/2019, khi đó hợp đồng thể hiện rõ là đất ở lâu dài không hình thành đơn vị ở và thời hạn sử dụng là lâu dài. Chủ đầu tư họ cam kết sau 50 ngày bàn giao biệt thự sẽ tiến hành cấp sổ đỏ, nhưng chờ đến nay vẫn chưa có" - anh Tiến nói.

Theo vị khách hàng này, bản thân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư dự án và các cấp chính quyền nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, nên khoảng 10 ngày nay mới phải tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa để kêu cứu.

"Chúng tôi đề nghị được đối thoại 3 bên giữa UBND tỉnh, Chủ đầu tư và khách hàng để tìm ra chỗ sai. Đơn vị nào sai thì phải thực hiện đảm bảo quyền lợi cho khách hàng" - anh Tiến mong muốn.

Chủ tịch Khánh Hòa: Đã trình Chính phủ hướng dẫn, giải quyết

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vụ việc trên, đại diện chủ đầu tư dự án chia sẻ, phía công ty đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, cũng như hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước cho loại hình đất ở tại nông thôn.

Ngày 19/12/2017, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa đã cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) số CL822008, chứng nhận Công ty được sử dụng hơn 58.000 m2 đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) trong các lô thuộc khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng kể trên.

"Phần đất hơn 58.000 m2 để xây dựng các biệt thự Movenpick là đất ở tại nông thôn - một trong các loại đất được quy định tại Điều 10 của luật đất đai năm 2013. Còn theo quy định tại mục 1.4.8 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN01:2019/BXD về Quy hoạch xây dựng thì khái niệm "đất ở không hình thành đơn vị ở" không làm thay đổi đi bản chất vì đây vẫn là đất ở tại nông thôn. Do đó nội dung Chủ đầu tư đã ký với khách hàng là đất ở lâu dài là đúng bản chất" - đơn vị này khẳng định.

Đại diện CĐT cho biết thêm, CĐT đã có nhiều văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp; kiến nghị được đối thoại 3 bên, CĐT, cơ quan nhà nước và khách hàng để làm rõ các vướng mắc, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, yêu cầu của này vẫn chưa được thực hiện.

Đề cập về công văn số 1607 của Sở Xây Dựng tỉnh Khánh Hòa về việc "điều chỉnh nội dung liên quan đến tính chất sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở thành đất thương mại dịch vụ", đại diện đơn vị chủ đầu tư cho rằng, đây là điều khó thực hiện vì hồ sơ pháp lý Dự án do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành phê duyệt cho CĐT được sử dụng hơn 58.000m2 đất ở tại nông thôn vẫn đang có giá trị hiệu lực và hoàn toàn hợp pháp.

"Vào tháng 12/2016, tại quyết định số 3708 của UBND tỉnh Khánh Hòa có nêu "người mua biệt thự du lịch dịch vụ gắn liền với quyền sử dụng đất (đất ở không hình thành đơn vị ở) được sử dụng đất ổn định, lâu dài" do đó công ty đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 118 biệt thự xây dựng trên diện tích hơn 58.000m2 đất ở tại nông thôn đã được phê duyệt, theo đúng pháp luật và hồ sơ pháp lý dự án" - CĐT dự án cho biết.

Cũng theo đơn vị chủ đầu tư, 118 căn biệt thự đã được chuyển nhượng và bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp để đưa vào kinh doanh, khai thác nên việc điều chỉnh thành đất thương mại dịch vụ là không phù hợp.

Liên quan đến việc khách hàng tập trung kêu cứu, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối với những vướng mắc về đất đai, nhà ở tại Khánh Hòa đã được tỉnh trình lên Chính phủ để chờ có hướng dẫn, giải quyết.

Chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở

Tại Thông báo Kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP ngày 04/11/2020, Thanh tra Chính phủ về 35 dự án chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng "đất ở không hình thành đơn vị ở" chưa có quy định tại pháp luật hiện hành. 

"Pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú...

Các vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực do các luật khác nhau điều chỉnh như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Cư trú... nên cần thiết phải được nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ" - kết luận thanh tra Chính phủ nêu.

Từ tình hình pháp lý và thực tiễn nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành TW và các địa phương: Xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất ở không hình thành đơn vị ở (biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ condotel) tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.

Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ, tập trung xử lý vấn đề trên theo hướng: khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ; không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh, không gây xáo trộn đột biến ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư; có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.