Ham nhà không sổ đỏ, nhiều người phớt lờ cảnh báo rủi ro "mất trắng"

(Dân trí) - Mặc dù biết trái quy định của pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân ham rẻ, sẵn sàng chi tiền mua nhà không được cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Nhiều người ham rẻ, mua nhà không sổ đỏ

Hiện nay, thị trường bất động sản trong nước đang tồn tại một phân khúc nhà ở không được cấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Phân khúc này đã có một thời rất “hot” ở thị trường Hà Nội.

Theo khảo sát của PV báo Dân trí, hiện nay, giá bán của những ngôi nhà này ở Hà Nội khá rẻ ngay cả ở những quận trung tâm như: Nam Từ Liêm, Hoàng Mai... giá chỉ bằng một nửa so với nhà có sổ đỏ, dao động từ 15 - 20 triệu đồng/ m2.

Ham nhà không sổ đỏ, nhiều người phớt lờ cảnh báo rủi ro mất trắng - 1

Nhiều người vì ham rẻ nên sẵn sàng chi tiền mua nhà không có sổ đỏ. Ảnh: Trần Văn

Bà Thu Giang, một chuyên viên tư vấn bất động sản khu vực Hai Bà Trưng - Hoàng Mai cho biết: “Hầu hết, người mua nhà thường ưu tiên nhà có sổ đỏ, tuy nhiên, cũng có một bộ phận người tiêu dùng có ít tiền, sẵn sàng mua những ngôi nhà không sổ để tiết kiệm chi phí”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định, không nên ham rẻ mua nhà không có sổ đỏ.

Thứ nhất, nhà không có sổ đỏ tức là nhà trái phép, nhà lấn chiếm. Như vậy, các giao dịch liên quan tới nhà ở không sổ đỏ đều trái pháp luật.

Thứ hai, người dân mua nhà không sổ đỏ sẽ rất dễ bị tháo dỡ hoặc không bồi thường trong trường hợp bị thu hồi.

Thứ ba, những ngôi nhà không được cấp quyền sử dụng đất sẽ không được xây mới, sửa chữa khi hư hỏng. Bên cạnh đó, nhà không sổ đỏ không được thế chấp ngân hàng, giảm hiệu quả trong việc sử dụng tài sản.

Bên cạnh đó, nhà không được cấp quyền sử dụng đất sẽ rất khó bán lại. Nếu bán được rất dễ bị ép giá, dẫn đến mất tiền.

Tâm lý cứ mua nhà không sổ, ở lâu sẽ được cấp?

Hiện nay, người mua nhà không được cấp quyền sử đụng đất (sổ đỏ) thường có tâm lý “ở lâu, chính quyền chắc chắn sẽ cấp sổ đỏ”.

Thực tế cho thấy, ở nhiều khu vực của Hà Nội trước kia là đất nông nghiệp và bị người dân lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, một số ngôi nhà đã được cấp sổ đỏ theo đúng quy định của pháp luật.

Ham nhà không sổ đỏ, nhiều người phớt lờ cảnh báo rủi ro mất trắng - 2

Một căn nhà "siêu mỏng" ở Hà Nội. Ảnh: Trần Văn

Khẳng định điều này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện tượng này gọi là “ở lâu thì đất cũng hóa bùn”.

Ông Đính nhận định: “Có thể nói, đây là tâm lý cẩu thả và coi thường pháp luật của một bộ phận dân cư, đồng thời thể hiện sự buông lỏng quản lý của địa phương”.

Sự buông lỏng trong công tác quản lý thể hiện ở việc chính quyền “làm ngơ” trước hiện tượng người dân mua nhà không sổ, sau đó xây dựng nhà trái phép: “Người dân mua nhà không sổ, sau đó xây nhà chắc chắn chính quyền địa phương phải biết. Tuy nhiên, chính quyền không xiết chặt, khiến người dân nghĩ chẳng ai động chạm gì, thì mình cứ mua và ở”.

Hậu quả của việc này đã dẫn tới nhiều ngôi nhà lấn chiếm trái phép đã được cấp sổ đỏ theo đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, hình thành xóm, làng được xây dựng dựa trên những ngôi nhà trái phép.

“Sau này, số lượng nhà lấn chiếm quá đông, không thể phá bỏ được thì Nhà nước mới có một số chính sách nhân văn, điều chỉnh lại quy hoạch để công nhận những xóm, làng hình thành từ những ngôi nhà lấn chiếm”, ông Đính nói.

Bên cạnh đó, việc hợp thức quá những xóm, làng này cũng là để quản lý lại trật tự, an ninh trong khu vực.

Ngoài ra, ông Đính cho rằng, hiện tượng này diễn ra nhiều năm trước và để lại hậu quả cho ngày nay: “Việc chính quyền công nhận những ngôi nhà lấn chiếm chính là giải quyết bài toán buông lỏng quản lý của các thế hệ trước. Tuy nhiên, hiện nay gần như đã không còn tồn tại”.

Việt Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm