Ham giàu nhanh, nhà đầu tư tay ngang "ôm đất như ôm bom"
(Dân trí) - Áp lực về tài chính đang khiến nhiều nhà đầu tư "ôm đất" nhưng không thể bán "đứng ngồi không yên".
Cắt lỗ vẫn ế
Hơn 2 năm qua, thị trường bất động sản cả nước liên tục xảy ra các cơn "sốt đất" ảo. Nhiều khu vực giá đất tăng mạnh, thậm chí có nơi đã tăng gấp 2-3 lần chỉ so với trước năm 2020 - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Hiện tại, khi các cơn "sốt đất" qua đi, thị trường bất động sản ghi nhận sự chững lại. Nhiều nhà đầu tư tay ngang bị chôn vốn và buộc phải cắt lỗ hàng trăm triệu đồng một lô đất.
Anh Hải - một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội - cho biết, anh đang bị "chôn vốn" khoảng hơn 10 tỷ đồng vào 4 lô đất nền ở Thạch Thất. Dù đã đưa về mức giá mua vào và rao bán nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa thể bán được.
"Tôi đã nhờ cả môi giới để bán và chấp nhận đưa ra mức giá thấp hơn lúc mua, nhưng không có khách hỏi. Nếu thị trường tiếp tục trầm lắng, tôi sẽ phải chấp nhận cắt lỗ sâu hơn để thu hồi vốn từng lô một", anh Hải chia sẻ.
Tương tự, anh Quang ở Hà Nội cũng đang rao bán cắt lỗ căn liền kề tại một khu đô thị ở quận Hoàng Mai nhiều tháng không thành. Theo anh Quang, anh mua căn liền kề 70m2, xây thô 4 tầng với giá 12,5 tỷ đồng vào cuối năm 2021, nhưng giờ rao bán 12 tỷ đồng cũng không có khách hỏi.
Theo ghi nhận Dân trí, nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi cuối năm 2021 những ngày này trở nên vắng lặng. Giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như: Thạch Thất, Mê Linh, Quốc Oai không còn hiện tượng tăng nữa và nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã bắt đầu cắt lỗ.
Một môi giới nhà đất có văn phòng giao dịch tại An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu tháng 4 vừa qua, thị trường bất động sản tại đây khá trầm lắng. Thời gian đầu năm nay, mỗi ngày văn phòng bán được 3 - 4 lô đất nhưng 2 tháng nay không bán được lô nào và có cả tình trạng giảm giá bán.
"Trong năm 2021, nhiều chủ nhà liền kề ở khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn không bán dù giá khá cao. Nhưng, sang đầu năm nay, nhiều chủ nhà lại liên hệ bán và chấp nhận thấp hơn giá từng được môi giới đặt vấn đề trước đó từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng", môi giới nói.
Giá bất động sản bị thổi cao, nhà đầu tư run tay
Thực tế, thời gian qua tại nhiều khu vực giá bất động sản tăng cao, thậm chí có hiện tượng môi giới đẩy giá nhằm trục lợi. Điều này làm méo mó cho thị trường bất động sản.
Không ít nhà đầu tư tay ngang thời gian qua tham gia thị trường bất động sản với hy vọng "lướt sóng" kiếm lời. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đột ngột hạ nhiệt, nhiều người không thoát kịp hàng đã mắc kẹt lại.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng, không khó để lý giải về tình trạng trên, vì thực tế không chỉ riêng huyện Đông Anh mà một số huyện ngoại thành của Hà Nội được quy hoạch thành quận thời gian qua cũng chứng kiến tình trạng "sốt đất" khi có thông tin quy hoạch hạ tầng.
Theo ông Đính, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một số nhà đầu tư, chứ không phải là làn sóng bán tháo.