Hà Nội vẫn ì ạch thu hồi dự án ôm đất rồi bỏ hoang, hé lộ loạt nguyên nhân

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Thời gian qua, Hà Nội đã mạnh tay hơn trong việc xử lý đối với dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, song thực tế kết quả chưa đạt như mong muốn, thậm chí còn phát sinh thêm dự án khác.

Đây là một trong những nội dung vừa được Thường trực HĐND TP Hà Nội đưa ra sau đợt tái giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội liên quan tới các dự án chậm triển khai đầu năm 2021 đến thời điểm này.

Cụ thể, theo đánh giá của Thường trực HĐND TP Hà Nội, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của HĐND Thành phố, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND Thành phố và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố, kết quả đạt rất thấp mặc dù UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Hà Nội vẫn ì ạch thu hồi dự án ôm đất rồi bỏ hoang, hé lộ loạt nguyên nhân - 1

Nhiều dự án "ôm đất" rồi để cỏ mọc um tùm suốt nhiều năm (Ảnh minh họa).

Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai dự án theo quy định, bao gồm:

Nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND Thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 06 dự án Thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Ngoài ra, có nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đến thời điểm tháng 5/2021. Trong đó có: 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Trên cơ sở kiểm tra trực tiếp thực địa và kết quả làm việc tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Mê Linh, Thường trực HĐND Thành phố đã rà soát hồ sơ 04 dự án để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị UBND Thành phố giải quyết, xử lý theo quy định.

Vạch rõ loạt nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan

Về nguyên nhân khách quan của tình trạng chậm trễ này, Thường trực HĐND TP đã chỉ ra các vấn đề như quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB…

Tuy nhiên theo cơ quan, cũng có không ít nguyên nhân chủ quan, đó là việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của HĐND TP, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên.

Cùng với đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư; việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ...

Từ thực tế giám sát và phân tích nguyên nhân, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi, thực hiện hậu kiểm và xử lý vi phạm đối với nhóm các dự án Đoàn giám sát kiến nghị.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư, trách nhiệm kiểm tra dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nói chung và các dự án có sử dụng đất nói riêng.

Ngoài ra, UBND TP cần thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm luật đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài.

Cũng theo Thường trực HĐND TP, cần quan tâm giải quyết các đề nghị của cơ quan thuế đối với các hồ sơ có vướng mắc trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính, xác định số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ (nếu có) của các dự án đầu tư. 

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND TP đề xuất Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội sửa đổi Luật đất đai đồng thời với sửa đổi các quy định liên quan của Luật khác về các lĩnh vực: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng, Thanh tra.... để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Đồng thời cơ quan này đề nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động thanh tra, đôn đốc, xử lý sau thanh tra; quy định về cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, xây dựng hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, thống nhất hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra từ khi thanh tra, đến khi thực hiện xong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổng hợp, nghiên cứu và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số bất cập, vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.