Gỡ dần ''nút thắt'' cải tạo chung cư cũ

Hà Nội sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện thành phố Hà Nội mới có 32 trên tổng số 1.579 chung cư cũ được cải tạo, xây dựng mới.

Theo ông Phong, thành phố xác định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và đã xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, thực hiện theo hướng "Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và tái định cư".

"Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU (ngày 20/4/2021) thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố, bám sát những quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để tham mưu thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ" - ông Phong nhấn mạnh.

Gỡ dần nút thắt cải tạo chung cư cũ - 1

Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 và 1994.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - chỉ rõ, từ thực tiễn của Hà Nội và bối cảnh chung của cả nước, tháng 7,  Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP (Nghị định 69) về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ 1/9/2021. Theo ông Nghiêm, đây là bước đột phá trong thể chế, tạo động lực mới cho chỉ đạo, thúc đẩy nội lực các yếu tố tác động đến hoạt động xây dựng trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo ông Nghiêm, trong nguyên tắc thực hiện Nghị định 69 không chỉ nêu các nguyên tắc chung mà đã nêu cụ thể trường hợp khẩn cấp do sự cố, thiên tai và giao quyền cho UBND cấp tỉnh. Xác định các trường hợp phải phá dỡ nhà chung cư đã được quy định rất cụ thể. Có thể nói đây là cơ sở pháp lý mạnh giúp Hà Nội xác định kế hoạch ổn định, toàn diện.

"Điểm đáng quan tâm là yêu cầu về quy hoạch khu vực cải tạo, xây dựng lại đã được Nghị định xác định là trách nhiệm của Nhà nước và là cơ sở để xây dựng phương án bồi thường. Với quy định này, một số bất cập trong cải tạo chung cư cũ với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… và cũng là nội dung dễ gây trái chiều giữa các nhà đầu tư với nhà quản lý sẽ được tháo gỡ"- ông Nghiêm khẳng định.

Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh, trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Trong đó, thành phố sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.

Gỡ dần nút thắt cải tạo chung cư cũ - 2

Người dân không đồng tình với kết quả kiểm định chất lượng chung cư cũ của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.

Theo ông Kỳ Anh, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ quy định 3 hình thức lựa chọn gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn, Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (Điều 113 Luật Nhà ở).

Ngoài ra, Thành phố sẽ sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn; đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp; rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ.

Đồng thời, thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất; áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; lệ phí trước bạ đối với diện tích nhà ở phục vụ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân...).

Theo kết quả rà soát, thống kê tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 và 1994, một số ít xây trước 1954.

Các chung cư này tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Hiện nay Hà Nội đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200-300 nhà.