"Đất vàng" mặt phố Hà Nội, TP.HCM: Nơi nào tăng, nơi nào giảm?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Phân khúc nhà mặt phố bán trong quý 2/2020 ghi nhận xu hướng tăng - giảm giá không đồng nhất tại các khu vực cả ở Hà Nội và TP.HCM.

Trong một khảo sát của PV Dân trí, từ sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều căn nhà phố mặt tiền nằm trên các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM bỏ trống. 

Trong số này, nhiều địa điểm được cho thuê, nhiều vị trí được rao bán. Có những địa điểm rao bán cả tháng trời vẫn chưa "chốt" được khách bởi sự giằng co về mức giá cùng với đó là những tâm lý dè chừng gia nhập thị trường khi kinh tế khó khăn.

Hầu hết báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản vừa công bố đều cho thấy trong quý 2/2020, thị trường bất động sản nhà mặt phố cho thuê tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm giá. 

Trong khi đó về mức giá rao bán, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết, phân khúc nhà mặt phố bán ghi nhận xu hướng tăng giảm giá không đồng nhất tại các khu vực.

Đất vàng mặt phố Hà Nội, TP.HCM: Nơi nào tăng, nơi nào giảm? - 1

Cụ thể, tại Hà Nội, xu hướng tăng giá rao bán được ghi nhận ở hầu hết các quận tiêu biểu như quận Cầu Giấy (tăng 3%), quận Hai Bà Trưng (tăng 2%), quận Hà Đông (tăng 2%) và quận Thanh Xuân (tăng 1%). Trong khi đó, quận Đống Đa lại giảm (giảm 1%).

Còn đối với thị trường TP.HCM, giá rao bán cũng tăng tại một số quận như quận Gò Vấp (tăng 2%), quận Bình Thạnh (tăng 2%). Trong khi đó, chỉ số này lại giảm nhẹ tại các quận: Tân Phú và quận 1.

Cùng chung xu hướng với thị trường nhà mặt phố bán, thị trường nhà riêng cũng có giá rao bán tăng giảm không đồng đều tại các khu vực.

Đất vàng mặt phố Hà Nội, TP.HCM: Nơi nào tăng, nơi nào giảm? - 2

Tại Hà Nội, so với quý 1/2020, các căn nhà riêng đứng giá tại quận Thanh Xuân và quận Long Biên, hoặc chỉ giảm nhẹ như tại các quận Hà Đông, Hoàng Mai và Đống Đa.

Trong khi đó, đối với thị trường TP.HCM, giá rao bán vẫn tăng nhẹ tại một số quận như Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp, nhưng lại ghi nhận mức giảm tương đối tại một số quận khác như quận 12 (giảm 4%) và Bình Tân (giảm 2%).

Trong một công bố mới đây của Savills, giá sơ cấp trung bình của biệt thự tại khu vực Hà Nội trong quý 2/2020 là 4.764 USD/m2 (tương đương hơn 110 triệu đồng/m2), tăng tới 19% theo quý.

Trong khi đó, giá trung bình liền kề tại Hà Nội đạt 4.458 USD/m2 (tương đương hơn 100 triệu đồng/m2), tăng 9% theo quý và shophouse khoảng 7.306 USD/m2 (tương đương gần 170 triệu đồng/m2), tăng 18% theo quý.

Dự báo về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2020, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn mới đây đã đưa ra hai kịch bản. Trong đó, với cả hai kịch bản, loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là bất động sản đầu tư như nhà mặt phố có giá trị cao.
 
Cụ thể, với kịch bản 1, tốc độ tăng GDP ở mức khả quan với 4,4% trở lên thì giá bất động sản không giảm. Tại kịch bản này, loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất là bất động sản đầu tư như nhà mặt phố có giá trị cao, đất nền dự án. Loại hình bị ảnh hưởng ít nhất là bất động sản để ở như chung cư, nhà riêng; các loại bất động sản để đầu tư như đất nền giá rẻ (dưới 1 tỷ đồng).
 
Ở kịch bản thứ 2, tốc độ GDP tăng thấp hơn, ở mức khoảng 3,6% thì giá bất động sản quay đầu giảm nhẹ (dưới 5%). Ở kịch bản này thì bất động sản đầu tư như nhà mặt phố giá trị cao, đất nền dự án hay các loại đất nền khác vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Còn lại các loại hình ít bị ảnh hưởng là bất động sản để ở như chung cư bình dân và trung cấp, nhà riêng vừa túi tiền.