Mua đất kiếm lời: Chuyên gia khuyên chậm một chút, không lo "uống nước đục"

(Dân trí) - "Thổi" giá đất từ thông tin huyện lên quận: "Trâu chậm không lo uống nước đục"; Ngân hàng thanh lý loạt căn hộ ở TP.HCM, giá hơn 60 triệu đồng/m2... là những thông tin BĐS nổi bật tuần qua.

Mua đất kiếm lời: Chuyên gia khuyên chậm một chút, không lo uống nước đục - 1
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, mua đất nên khờ một chút, chậm một chút.

 "Thổi" giá đất từ thông tin huyện lên quận: "Trâu chậm uống nước đục"?

Trên thị trường bất động sản trong những năm qua, việc các công ty nhà đất liên tục đẩy giá nhờ vào những thông tin về hạ tầng giao thông, hành chính… không còn là điều lạ. Nhiều nhà đầu tư cũng lợi dụng những thông tin có lợi của thị trường để lướt sóng, kiếm lời.

Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư đã “sa lầy” trước những thông tin mà “cò đất” bơm thổi. Từ đó, để lại một thị trường ở mức giá cao và có nhiều rủi ro.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, mua đất nên khờ một chút, chậm một chút.

Giới cò đất luôn dùng những lời đường mật để "rót" vào tai khách hàng. Do đó, để có một thương vụ đầu tư chắc chắn với bất động sản, người mua nên ghi chép cẩn thận, nghe ngóng thông tin đầy đủ và "tuyệt đối không đi chốt nền theo event đám đông hò hét hào hứng". Với những thông tin "sốt đất" nhờ sắp lên quận, người mua cần cẩn trọng. Đừng bao giờ sợ trâu chậm uống nước đục trong việc đầu tư bất động sản.

Ngân hàng thanh lý loạt căn hộ ở TP.HCM, giá hơn 60 triệu đồng/m2

Ngân hàng Sacombank vừa thông báo rao bán 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court địa chỉ 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM.

Cụ thể theo thông báo, các căn hộ này chủ yếu gồm 1 - 3 phòng ngủ với diện tích dao động từ 47,9 - 109m2. Trong đó có 6 căn penthouse hiện trạng bàn giao thô và các căn hộ còn lại được hoàn thiện cơ bản.

Mức giá khởi điểm từ khoảng 3,2 tỷ đến 9,8 tỷ đồng, chưa gồm thuế VAT và phí bảo trì. Bình quân đơn giá trên mỗi m2 các căn hộ là khoảng hơn 60 triệu đồng/m2.

Mua đất kiếm lời: Chuyên gia khuyên chậm một chút, không lo uống nước đục - 2
Hiện trạng căn hộ được rao bán.

 Đề xuất cấp “sổ đỏ” cho tầng hầm “nở” ra ngoài ranh khối đế chung cư

Một trong 8 giải pháp để giúp thị trường BĐS phục hồi sau dịch là đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư.

Đây là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở cao tầng ở TP.HCM và nhiều đô thị lớn hiện nay…

Trong đó, đề xuất đáng chú ý nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư. Theo HoREA, đây là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở cao tầng, mà tầng hầm có diện tích lớn hơn diện tích khối đế tòa nhà chung cư, do một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất chủ đầu tư phải đóng bổ sung nghĩa vụ tài chính.

Nhưng, đề xuất này thiếu căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, khi xác định tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thì Hội đồng thẩm định giá đất đã tính toán đầy đủ tổng chi phí đầu tư và tổng doanh thu của dự án, bao gồm toàn bộ diện tích tầng hầm và chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

Danh tính ông chủ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, nơi khiến hàng loạt quan chức vướng lao lý

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C01) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 10 bị can trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm quy định về quản lý đất đai liên quan đến khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).

Hai bị can Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) , Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương) bị đề nghị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Mua đất kiếm lời: Chuyên gia khuyên chậm một chút, không lo uống nước đục - 3
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (màu xanh) có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa nhất TP.HCM.

Liên quan đến khu đất này, ông Ngô Văn An và ông Thái Bảo Anh là hai người lần lượt ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh (tiền thân là Sabeco Pearl), DN 100% vốn tư nhân và hiện là đơn vị đứng tên quyền sử dụng khu đất.

Khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội: Nơi biến tướng, chỗ bỏ hoang

Một khu công nghiệp hiện có rộng tới 60 ha tại phía Nam bỏ hoang nhiều năm qua do không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, một số cụm công nghiệp gần nội đô bị biến tướng với các văn phòng cao tầng trong cụm công nghiệp.

Vài năm nay, vài chục ha đất sạch Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) để cỏ dại mọc um tùm. Dù đã có hạ tầng gần như đầy đủ, lại có nhiều ưu đãi, nằm sát đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhưng bài toán thu hút đầu tư vào KCN này vẫn chưa có lời giải.

Giữa tháng 7/2020, phóng viên tìm về KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đến 1h di chuyển, đây được đánh giá là KCN có vị trí khá đẹp và thuận tiện, tuy nhiên, gần 10 năm trở lại đây, KCN vẫn nằm im lìm chờ các doanh nghiệp đến đầu tư.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)