Giá đất vùng quê tăng chóng mặt, giá nhà còn ảo, thị trường có nghịch lý
(Dân trí) - Giá đất nhiều vùng quê tăng chóng mặt, thị trường xuất hiện nghịch lý; Bộ trưởng Xây dựng: Giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực bất động sản... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Giá đất nhiều vùng quê tăng chóng mặt, thị trường xuất hiện nghịch lý
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết: “Do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc ….”.
Theo lãnh đạo Hội Môi giới, đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn của Việt Nam, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị…
Đáng lưu ý theo đại diện Hội Môi giới bất động sản, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng. Nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu/m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu/m2.
Bộ trưởng Xây dựng: Giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực bất động sản
Trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội , Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Đáng lưu ý, trong báo cáo mới nhất này, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Rót tiền mua bất động sản Ứng Hòa chờ sốt giá: Hàng loạt cảnh báo
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc nghiên cứu và tư vấn CBRE Hà Nội cho rằng, nhảy vào những cuộc đầu tư như ở khu vực Ứng Hoà hiện nay là khá rủi ro. “Nguyên tắc đầu tư là kỳ vọng càng cao về lợi nhuận thì rủi ro càng lớn”, bà An nói với phóng viên Dân trí.
Theo bà An, thực tế vị trí đề xuất xây sân bay thứ hai ở Hà Nội đang nằm ở khu vực chưa có sự hình thành thị trường bất động sản một cách rõ rệt.
“Quy hoạch sân bay thường kéo dài vài năm, thậm chí có thể cả chục năm. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai”, bà An nói.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, khi đầu tư vào những khu vực tương tự như thế này cần lưu ý về tính thanh khoản, thông tin về khu vực đó, có nằm trong quy hoạch không, tài chính nhà đầu tư có đủ vững hay không.
Mua nhà ở xã hội bằng công chứng, coi chừng "tiền mất, tật mang"
Thử tìm hiểu theo một số điện thoại rao bán nhà ở xã hội tại dự án First Home Thạnh Lộc , chúng tôi nhận được lời giới thiệu, dự án có quy mô 14 tầng và 1 tầng hầm, xây dựng trên diện tích 5.000 m2 với các loại căn hộ diện tích khoảng từ 43m2 đến 61m2, có mức giá dao động từ 23 - 27 triệu đồng, tương ứng với mức giá từ 1,1 đến 1,5 tỷ đồng/căn, tùy theo diện tích.
Tuy nhiên, nếu so sánh với mức giá ban đầu mà chủ đầu tư là Hợp tác xã Gia Phú đưa ra (mức giá chỉ từ 380 triệu đến hơn 600 triệu đồng), thì mức giá này đã được "đẩy" lên chênh lệch từ 700 triệu đồng đến hơn gần 1 tỷ đồng.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, luật cấm không cho sang nhượng dự án nhà ở xã hội dưới 5 năm, Minh Thành, chủ một căn hộ rao bán trên trang Chợ Tốt Nhà, giải thích: "Em sẽ viết giấy di chúc tặng cho căn nhà và ký hợp đồng ủy quyền cho anh toàn quyền thanh toán tiền mua, chuyển nhượng căn nhà với chủ đầu tư. Việc này dễ làm mà, anh đừng lo…".