Bộ trưởng Xây dựng: Giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực bất động sản

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.

Bộ trưởng Xây dựng: Giá nhà không phản ánh đúng giá trị thực bất động sản - 1

Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.

“Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Vấn đề này đã từng được Bộ Xây dựng đề cập hồi đầu năm nay. Tại thời điểm đó, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.

Đáng lưu ý, trong báo cáo mới nhất này, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Đáng chú ý theo Bộ này, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

“Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện nay chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản”, Bộ Xây dựng nêu bất cập.

Ngoài ra lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch bất động sản tuy đã được chú trọng và tăng cường nhưng thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.

“Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định của pháp luật”, Bộ Xây dựng cho biết.

Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này tương đối lớn và đa dạng.

Theo số liệu mới nhất của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.

"Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ", Hội môi giới Bất động sản cho biết.

Về giá bất động sản, Hội môi giới cho biết chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá. Báo cáo chỉ ghi nhận hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm.

"Cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp", Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay.