Giá đất Đồng Nai đảo chiều liên tục, Phú Quốc trở thành “điểm nóng”

Việt Vũ

(Dân trí) - Sự xuất hiện của sân bay Long Thành đã kích thích thị trường bất động sản Đông Nam Bộ tăng trưởng mạnh. Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là những nơi được hưởng lợi nhiều nhất.

Giá đất tại Đồng Nai “lượn sóng”; Giá chung cư Bình Dương tăng 15%

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc Chính Phủ quyết định đầu tư sân bay Long Thành (Đồng Nai) và thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM đã tạo “sóng” cho thị trường bất động sản (BĐS) Đông Nam Bộ trong thời gian qua.

Cụ thể, tại Bình Dương, một số khu vực giáp ranh với TP.HCM như Thuận An, Dĩ An trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển phân khúc chung cư có giá phù hợp. Tuy nhiên, do sự khan hiếm của TP.HCM, nên giá căn hộ tại Bình Dương cũng bị đẩy lên nhanh chóng, bất chấp đại dịch Covid-19.

Năm 2019, giá căn hộ bình quân tại Bình Dương đạt 25 - 30 triệu đồng/m2. Đến nay, giá căn hộ đã tăng lên ngưỡng 30 - 35 triệu đồng/m2, thậm chí là 37 - 38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%).

Giá đất Đồng Nai đảo chiều liên tục, Phú Quốc trở thành “điểm nóng” - 1

Giá căn hộ tại Bình Dương đang bị đẩy lên nhanh chóng. Ảnh minh họa

Theo nhận định của VARS, dù lượng giao dịch trong năm 2020 không lớn, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 25%. Thế nhưng, trong năm 2021, phân khúc này có nhiều khả năng phát triển mạnh mẽ.

Trong khi đó, tại Đồng Nai, diễn biến thị trường tương đối phức tạp, giá trị BĐS “lượn sóng” và đảo chiều liên tục trong 1 năm qua. Số liệu từ VARS cho thấy, cuối năm 2019, giá đất tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 - 14 triệu đồng/m2. Thế nhưng, sang đầu năm 2020, đã có lúc, giá đất bình quân tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 tháng, và đạt “đỉnh” tới 22 triệu đồng/m2.

Sau khi vấp phải các hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng do dịch bệnh, giá đất hiện tại đã giảm còn 15 - 18 triệu đồng/m2.

Địa phương thứ 3 được hưởng lợi từ dự án xây dựng sân bay Long Thành và thành lập thành phố Thủ Đức là Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong 3 quý vừa qua, thị trường BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu đã thiết lập được tính ổn định. Một phần là nhờ sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương, nên giá đất hiện tại khá ổn định, đang duy trì ở mức bình quân 10 triệu đồng/m2.

Thị trường Tây Nam Bộ bắt đầu có “sóng” trở lại

Giống như thị trường BĐS Đông Nam Bộ, BĐS vùng Tây Nam Bộ cũng được hưởng lợi nhiều từ các dự án giao thông, kết nối TP.HCM với các tỉnh/thành phố khác nằm ở phía nam.

Cụ thể, tại Cần Thơ, thị trường chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch Covid-19, nên đầu năm diễn ra khá trầm lắng. Dù vậy, BĐS Cần Thơ bắt đầu có “sóng” trở lại từ cuối tháng 7/2020.

Một số dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý (có sổ đỏ) được các nhà đầu tư quan tâm và giao dịch mạnh.

Lượng cung ra thị trường khoảng 500 sản phẩm đất nền, tiêu thụ đạt 65%. Các dự án gần trung tâm thành phố, gần lộ lớn có giá bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Ở các khu vực khác, mức giá dao động từ 19 - 30 triệu đồng/m2. Tăng 7% so với năm 2019.

Tại Long An, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nên lượng tiêu thụ khá chậm, giao dịch trầm lắng, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20%. Một số dự án có tiềm năng tốt, có giá bán dao động từ 21 - 26 triệu đồng/m2. Các vùng khác trong tỉnh có giá bình quân đạt 13 - 15 triệu đồng/m2.

Giá đất Đồng Nai đảo chiều liên tục, Phú Quốc trở thành “điểm nóng” - 2

“Tâm điểm” của thị trường BĐS Tây Nam Bộ chính là đảo Phủ Quốc (Kiên Giang). Ảnh minh họa

“Tâm điểm” của thị trường BĐS Tây Nam Bộ chính là đảo Phủ Quốc (Kiên Giang). Sau khi Chính Phủ và tỉnh Kiên Giang thống nhất chủ trương nâng Phú Quốc thành thành phố đã và đang tạo sự quan tâm mạnh trở lại của các nhà đầu tư.

Số liệu của VARS cho thấy, trong thời gian tới, hàng loạt chủ đầu tư lớn sẽ đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm, thuộc các phân khúc shophouse, liền kề, biệt thự…