Giá BĐS tăng bất chấp dịch, loạt đại gia địa ốc vẫn kinh doanh lao dốc

(Dân trí) - Giá BĐS đã đắt đỏ lại "miệt mài" tăng; hàng loạt “ông lớn” bất động sản khu công nghiệp làm ăn đi xuống... là những thông tin BĐS nổi bật tuần qua.

Giá BĐS đã đắt đỏ lại "miệt mài" tăng

Theo một số chuyên gia bất động sản, nếu so sánh trên cơ sở thu nhập đầu người thì giá nhà Việt Nam cao hơn so với nhiều nước. Chính vì giá cao nên việc tiếp cận nhà ở của người lao động những thành phố lớn không hề dễ dàng.

Giá BĐS tăng bất chấp dịch, loạt đại gia địa ốc vẫn kinh doanh lao dốc - 1

Giá BĐS tăng bất chấp dịch.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Nhìn chung giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19. Đặc biệt giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao. Theo ông Châu, do chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.

Ông Châu cũng cho biết, cơ cấu giá thành nhà ở còn một số bất hợp lý dẫn đến giá thành nhà ở cao. Cụ thể như cách tính “tiền sử dụng đất”, theo đó, chủ đầu tư dự án nhà ở gần như phải “mua quyền sử dụng đất” hai lần.

Vì sao hàng loạt “ông lớn” bất động sản khu công nghiệp làm ăn đi xuống?

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động ở miền Bắc là 75%, và giá cho thuê bình quân là từ 85-90 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 6,5%), theo nghiên cứu của JLL.

Còn các khu công nghiệp ở miền Nam tỷ lệ lấp đầy bình quân ở các khu công nghiệp đang hoạt động đạt 83% và giá cho thuê đất đạt khoảng 105-115 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7%.

Theo SSI, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cổ phiếu khu công nghiệp đã niêm yết đạt tổng doanh thu là 21,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, giảm 18% .

Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Mã CK: BCM) có doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ đạt 2,5 nghìn tỷ đồng.

Còn Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC), doanh thu  giảm 54% so với cùng kỳ đạt 727,6 tỷ đồngm lợi nhuận ròng cũng giảm 55% so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.

Nhà siêu mỏng siêu méo “đua nhau mọc" trên đường nghìn tỷ ở Hà Nội

Trong khi các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn còn đang khiến các cơ quan chức năng “đau đầu tìm cách xử lý” thì một loạt nhà không đủ tiêu chuẩn lại tiếp tục mọc lên trên các tuyến đường mới mở.

Sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở tới đường Minh Khai (Hà Nội) xuất hiện nhiều ngôi nhà mỏng, méo, hình dạng không vuông vắn mọc lên hai bên đường. Thậm chí, nhiều ngôi nhà có diện tích vỏn vẹn chưa đầy 5m2, tạo nên bộ mặt đô thị nhếch nhác.

Chia sẻ với PV Dân trí, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng TW Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là mới mà là “câu chuyện buồn muôn thuở ở Hà Nội”. Thực tế, Hà Nội mở đường đến đâu, là nhà siêu mỏng, siêu méo lại mọc lên đến đó.

Vụ phá khu vui chơi trẻ em ở The Vesta: Dân phản đối, chủ đầu tư xin dừng

Dự án nhà ở xã hội The Vesta đã bàn giao và đi vào hoạt động trước năm 2018, người dân sinh sống ổn định. Tuy nhiên vào tháng 6 vừa qua, cư dân tại đây bất ngờ khi nhận được thông báo từ phía chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HPX) về việc hoàn thiện bãi đỗ xe theo quy định nhưng trên phần diện tích đang là vườn hoa, khu vui chơi trẻ em.

Giá BĐS tăng bất chấp dịch, loạt đại gia địa ốc vẫn kinh doanh lao dốc - 2

Cư dân treo băng rôn phản đối chủ đầu tư phá khu vui chơi trẻ em.

Đến ngày 15/9, Công ty Hải Phát đã tổ chức thực hiện khắc phục hoàn trả về đúng công năng sử dụng (phá dỡ khu vui chơi để hoàn trả mặt bằng xây dựng bãi đỗ xe) tại ô đất P-01 và P-02 dự án NOXH The Vesta.

Theo ghi nhận của PV, hàng trăm cư dân The Vesta đã tập trung căng băng rôn với khẩu hiệu có nội dung đề nghị chủ đầu tư giữ lại sân chơi cho trẻ. Trao đổi với Dân trí về hướng xử lý vụ việc này, đại diện phía chủ đầu tư Hải Phát cho biết đã gửi văn bản xin tạm dừng phá dỡ và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xin giữ nguyên hiện trạng khu vui chơi.