Vì sao hàng loạt “ông lớn” bất động sản khu công nghiệp làm ăn đi xuống?
(Dân trí) - Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực được đánh giá vô cùng tiềm năng trước làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất mới, song nhiều đại gia bất động sản khu công nghiệp vẫn có doanh thu lợi nhuận giảm mạnh.
Bất động sản công nghiệp đầy tiềm năng, giá leo thang bất chấp dịch
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có 336 khu công nghiệp trên tổng diện tích là 97,8 nghìn ha, trong đó 261 khu công nghiệp hiện đang hoạt động.
Tại miền Bắc, các khu công nghiệp tập trung ở các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, với tổng diện tích là 13.500 ha.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động ở miền Bắc là 75%, và giá cho thuê bình quân là từ 85-90 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 6,5%), theo nghiên cứu của JLL.
Còn các khu công nghiệp ở miền Nam tập trung tại TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Long An, với tổng diện tích là 42.836 ha.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ lấp đầy bình quân ở các khu công nghiệp đang hoạt động đạt 83% và giá cho thuê đất đạt khoảng 105-115 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7%.
Ông Simon Smith - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại Savills Châu Á - Thái Bình Dương - cho biết: “Bất động sản công nghiệp đang được nhiều chủ đầu tư để ý. Ngành này có liên quan chặt tới các xu hướng lớn mạnh như sự phát triển của thương mại điện tử và hầu như mọi thị trường trong khu vực đều thiếu không gian kho vận hiện đại”.
Bất động sản công nghiệp đã và đang là nhóm tài sản có khả năng mau phục hồi ở hầu hết các thị trường thuộc châu Á - Thái Bình Dương, chuyên gia Savills đánh giá.
Theo các chuyên gia, khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid -19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động. Báo cáo của nhiều tổ chức bất động sản công bố cho thấy, liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.
Tuy nhiên, trong báo cáo vừa phát hành, chuyên gia SSI Research cho biết, do dịch Covid-19 bùng phát, các chuyến bay quốc tế đến và đi khỏi Việt Nam đã bị hạn chế đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh và đi lại trong thời gian qua.
“Điều này đã gây ra áp lực đáng kể ảnh hưởng đến việc xúc tiến đầu tư và tiến độ cho thuê các khu công nghiệp. Hầu hết các giao dịch thành công được ghi nhận trong năm nay đều đến từ những khách hàng đã hoàn tất thương thảo từ năm ngoái và trước khi dịch bệnh bùng phát”, chuyên gia SSI cho hay.
Một loạt “đại gia” có doanh thu, lợi nhuận lao dốc
Theo báo cáo của SSI, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cổ phiếu khu công nghiệp đã niêm yết đạt tổng doanh thu là 21,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, giảm 18%.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Mã CK: BCM), trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, do thiếu những hợp đồng thuê mới.
Trong đó, doanh thu từ bất động sản khu dân cư và khu công nghiệp giảm 49% so với cùng kỳ. Lãi tiền gửi và cổ tức từ các công ty liên kết giảm cũng kéo theo lợi nhuận ròng giảm 52%.
Tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC), doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của công ty giảm 54% so với cùng kỳ đạt 727,6 tỷ đồng do tiến độ bàn giao chậm ở cả KCN và đất dân cư. Do đó, lợi nhuận ròng cũng giảm 55% so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã CK: ITA) trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt doanh thu đạt 256 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu cho thuê đất giảm 47% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận ròng đạt 74,8 tỷ đồng, cũng giảm 47% so với cùng kỳ trong giai đoạn này.
Còn tại IDC, tổng doanh thu của công ty đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu khu công nghiệp giảm 40% so với cùng kỳ và doanh thu điện giảm 7% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận ròng cũng giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 173 tỷ đồng.
SSI cho biết, ước tính nguồn cung quỹ đất có thể tăng nhẹ 5% trong 6 tháng cuối năm 2020. Về mặt bằng giá đất khu công nghiệp, giá thuê có thể sẽ tăng 10% so với cùng kỳ ở miền Nam và trong khoảng 7-8% so với cùng kỳ ở miền Bắc trong 6 tháng cuối năm 2020.
Với những yếu tố trên, SSI Research ước tính lợi nhuận ròng của các công ty KCN mà họ nghiên cứu đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Trong đó, lợi nhuận ròng của SZC ước tính giảm mạnh-63% so với cùng kỳ do không có khách hàng mới. Lợi nhuận ròng của D2D ước tính giảm 68% so với cùng kỳ do doanh thu ghi nhận từ việc bán các khu dân cư Lộc An thấp hơn. Lợi nhuận ròng 6 tháng cuối năm 2020 của BCM ước tính giảm 56% so với cùng kỳ do thiếu hụt các nhà đầu tư thuê đất mới tại KCN Bàu Bàng mở rộng...