Doanh nghiệp BĐS than căng thẳng vì duyệt dự án “nhỏ giọt”, thủ tục rối bòng bong

(Dân trí) - Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, trong bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều phức tạp, khó khăn, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án cho thấy sự căng thẳng như thế nào. Bên cạnh đó, tình trạng thủ tục hiện nay vẫn rối như một mớ bòng bong khiến doanh nghiệp “mệt mỏi”.

Doanh nghiệp BĐS than căng thẳng vì duyệt dự án “nhỏ giọt”, thủ tục rối bòng bong - 1
Các doanh nghiệp tham dự Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) lần thứ III, nhiệm kỳ IV (2016 - 2021). Ảnh: Reatimes.

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) lần thứ III, nhiệm kỳ IV (2016 - 2021), ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang diễn biến trong bối cảnh thị trường không được thuận lợi lắm và có phần trầm lắng.

Việc này đã được dự báo từ cuối năm 2018. Quy hoạch đất đai, thủ tục được siết chặt. Đây là 2 yếu tố quan trọng trong nước tác động đến thị trường, ông Nam cho biết.

Ngoài ra theo vị này, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các điểm nóng ở Trung Đông là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến việc tăng trưởng kinh tế.

"6 tháng đầu năm kết quả thị trường vẫn khả quan nhưng so với cùng kỳ 2018 là có sự giảm sút. Nhìn chung thị trường đang đứng trước những thách thức khó khăn nhất định", ông Nam nói.

Mặc dù nhận định có khó khăn, song ông Nam cho rằng tình hình thị trường hiện nay khác cuộc khủng hoảng năm 2010. Tại thời điểm đó khủng hoảng do hàng hoá thừa mà không có người mua, trong khi tiền đổ vào bất động sản nhiều. Còn hiện nay theo ông Nam, sức mua của người dân rất tốt.

"Tại Hội nghị hôm nay, chúng ta bổ sung thêm ý kiến của các thành viên để thông qua Nghị quyết điều hành, triển khai để công việc của Hiệp hội, doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển đất nước", ông Nam cho biết.

Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest cho biết một thực tế, đó là các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý.

“Điều mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội là sửa đổi luật pháp, làm thế nào để không ảnh hưởng tới thay đổi các chính sách khác”, ông Hiệp nói.

Ngoài ra theo vị này, trong bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều phức tạp, khó khăn, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án cho thấy sự “căng thẳng” như thế nào. Trong khi đó, thủ tục hành chính hiện nay vẫn rối như một mớ bòng bong, làm doanh nghiệp mệt mỏi.

Do đó, ông Hiệp kiến nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục có những kiến nghị để giảm bớt phức tạp trong các thủ tục hành chính. Ông Hiệp cũng kỳ vọng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ngoài việc phản biện chính sách, sẽ tiếp tục có thái độ rõ ràng, dứt khoát trong bảo vệ hội viên làm đúng hoặc phê phán hội viên làm sai...

Nguyễn Mạnh