Doanh nghiệp bất động sản sẽ qua thời lãi đậm, lãi nhiều?

Mộc An

(Dân trí) - Chuyên gia đánh giá quy định mới về xác định giá đất vẫn là "ẩn số" rủi ro cho doanh nghiệp. Sự khó lường trong cách xác định giá đất dễ khiến những doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Ẩn số rủi ro đối với doanh nghiệp

Kể từ ngày 1/8, 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực. Cuộc chơi của các doanh nghiệp trên thị trường bất động sản được đánh giá sẽ có nhiều thay đổi từ năng lực hoạt động đến chiến lược kinh doanh.

Chia sẻ tại tọa đàm do The Leader tổ chức mới đây, luật sư thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn đánh giá doanh nghiệp bất động sản chưa chắc đã có lãi như trước đây do các quy định mới về xác định giá đất. "Quy định mới về xác định giá đất vẫn là ẩn số rủi ro cho doanh nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.

Ngày 27/6, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2024 quy định về giá đất nhằm cụ thể hóa các nội dung của Luật Đất đai 2024. Việc định giá đất theo quy định mới đã chi tiết đến từng trường hợp nên có thể thúc đẩy quá trình định giá đất - vốn là một trong các "điểm nghẽn" trong việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Luật Đất đai 2024 quy định việc sử dụng giá trong bảng giá đất sẽ trở lên phổ biến hơn. Tuy nhiên, dự kiến bảng giá đất hiện hành vẫn được áp dụng đến hết năm 2025

Tuy nhiên chuyên gia pháp lý bất động sản này đánh giá việc thẩm định giá hay định giá bất động sản theo các quy định mới được ban hành chưa có sự thay đổi "đột phá". Theo đó pháp luật vẫn quy định phương pháp xác định giá đất cụ thể dựa trên quy định trước đây (bỏ định giá đất theo phương pháp chiết trừ).

Việc xác định giá đất vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ nhận định chủ quan của người thực hiện định giá. Công việc nhận định lại phụ thuộc nhiều vào vị trí, mục đích, lợi thế, thời điểm… định giá để đưa ra các yếu tố điều chỉnh định tính, dựa trên tỷ lệ phần trăm giá trị của tài sản so sánh để đưa ra giá trị điều chỉnh tuyệt đối.

Cách đánh giá, nhìn nhận của cơ quan có thẩm quyền khi xác định giá đất và các đơn vị hậu kiểm (như thanh tra, kiểm toán hoặc cơ quan điều tra) có thể khác nhau khi so sánh, đối chiếu, dễ dẫn đến quy kết về thất thoát trong xác định giá đất.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh như vậy, giải pháp "an toàn" cho bên định giá là xác định giá đất cao lên để không bị "quy" làm thất thoát ngân sách. Như vậy, cách thức xác định giá đất về cơ bản vẫn dựa trên một nền tảng cũ, cho dù có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thì cũng khó kỳ vọng tạo ra sự thay đổi lớn.

Luật sư Tuấn nhận định việc xác định giá đất cụ thể tại các dự án bất động sản dù có được cải thiện nhất định nhưng vẫn có thể sẽ là "điểm nghẽn" nếu tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của những người thực thi không cải thiện.

Doanh nghiệp bất động sản sẽ qua thời lãi đậm, lãi nhiều? - 1

Một dự án bất động sản lớn tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Doanh nghiệp mới dễ "vỡ trận"

Sự khó lường trong cách xác định giá đất dễ khiến những doanh nghiệp mới tham gia thị trường rơi vào thế "vỡ trận" nếu không có năng lực tài chính, dòng tiền tốt.

Tiền sử dụng đất được xác định cao là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư bất động sản "chân ướt chân ráo" vào thị trường gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng. Nếu không "xoay" được tài chính để nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp rơi vào thế kẹt: tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để "xóa" nợ không được, triển khai tiếp dự án cũng không xong vì không có nguồn vốn xây dựng.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn cho biết chi phí về tiền sử dụng đất là một bộ phận chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lớn khi chủ đầu tư xây dựng giá thành, giá bán trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cách xác định giá đất hiện nay của cơ quan chức năng dễ gây khó cho các chủ đầu tư có thể ước tính trong quá trình chuẩn bị đầu tư; có thể gây rủi ro trong khâu tiêu thụ, khai thác cũng như đánh giá hiệu quả của khoản đầu tư.

Để giảm rủi ro này, ông đề xuất doanh nghiệp xem xét nên tham gia thực hiện các dự án theo phương thức đấu giá. Khi đó tiền sử dụng đất (giá khởi điểm) đã được xác định rõ, không còn là "ẩn số" như các dự án doanh nghiệp bồi thường giải phóng mặt bằng trước, nộp tiền sử dụng đất như hiện nay.