Đô thị xanh: Việt Nam có thể học được gì từ Nhật Bản và Singapore?
(Dân trí) - Đứng trước những hiểm họa từ biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã có nhiều giải pháp để xây dựng các đô thị bền vững, trong đó ưu tiên phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn của nhiều quốc gia châu Á, do quá trình tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
Vì vậy, Chính phủ nhiều nước đã đưa ra hàng loạt giải pháp cân bằng môi trường sống trước sự bùng nổ đô thị. Giải pháp tối ưu cho vấn đề này chính là đẩy mạnh phát triển các đô thị xanh, thân thiện với môi trường.
Trên thế giới vẫn chưa có khái niệm thống nhất về “đô thị xanh”. Tuy nhiên, về cơ bản, một đô thị được coi là chuẩn “xanh” sẽ phải đáp ứng được các tiêu chí như mật độ cây xanh trên đầu người, ưu tiên sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo, đẩy mạnh giao thông công cộng, phát triển nền công nghiệp xanh, bảo tồn các công trình lịch sử - văn hóa. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là con người phải có ý thức bảo vệ môi trường.
Các quốc gia châu Á xây dựng “đô thị xanh” như thế nào?
Về vấn đề phát triển đô thị xanh bền vững, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề quy hoạch đô thị gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, Chính phủ Singapore đặc biệt chú trọng đến việc phủ xanh đô thị với mục đích thẩm mỹ và cải thiện môi trường. Do có diện tích nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với TP.HCM, nên từng mét vuông đất đều được quy hoạch rất cẩn thận.
Đặc biệt, Singapore đã áp dụng chính sách vườn ở bất kì nơi đâu, từ tường nhà tới mái và đẩy mạnh xây dựng công viên cây xanh trong đô thị. Chính vì vậy, diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn thành phố, con số đáng mơ ước với nhiều thành phố khác trên thế giới.
Trong khu vực châu Á, Nhật Bản cũng khiến cả thế giới ngưỡng mộ về mô hình liên kết giữa người dân, chính quyền với các công ty tư nhân trong việc lập kế hoạch, quy hoạch, định hướng phát triển đô thị.
Minh chứng rõ nét nhất của mô hình này, chính là sự ra đời của đô thị sinh thái Fujisawa nằm tại tỉnh Kanagawa.
Theo giới chức Nhật Bản, đô thị thông minh Fujisawa được phát triển theo hướng giãn mật độ dân số khu trung tâm, hình thành cụm dân cư bền vững về tiêu thụ năng lượng, không gian xanh và giảm tác động đến môi trường.
Được biết, đô thị thông minh Fujisawa được xây dựng theo mô hình giống như chiếc lá, có diện tích 19 hecta được Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới Panasonic đầu tư với số vốn là 60 tỷ yên, bắt đầu hoạt động vào năm 2014.
Tại đây, giới khoa học Nhật Bản đã quy hoạch và thiết kế 1.000 ngôi nhà à ở đi kèm với hệ thống hạ tầng dịch vụ tiện ích gồm cửa hàng, bệnh viện, nhà dưỡng lão, không gian công viên cây xanh...
Một căn nhà có diện tích 120 - 150m2 có giá khoảng 50-60 triệu yen (8,9 - 10,6 tỷ đồng), tất cả đều được trang bị trang bị những thiết bị thông minh nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả.
Cụ thể, mục tiêu cắt giảm 70% lượng phát thải carbon và 30% lượng cấp nước. Hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng điện của mỗi hộ gia đình.
Ngoài ra, tất cả hệ thống đèn giao thông, thắp sáng đường phố hay các căn hộ ở đây được lắp đặt tấm pin mặt trời. Ngoài ra, những động cơ phát ra khí thải, gây ồn sẽ bị hạn chế.
Việt Nam và cơ hội phát triển đô thị xanh
Tại Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn để đánh giá đô thị xanh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nếu dựa vào các tiêu chuẩn của thế giới, thì chúng ta vẫn chưa thể có một đô thị nào được coi là chuẩn “xanh”.
Mặc dù vậy, trong 15 năm qua, Chính phủ và các bộ ban ngành có liên quan đã có cái nhìn tích cực đối với vấn đề quy hoạch đô thị gắn liền với tự nhiên, thân thiện với con người và xã hội.
Đồng thời, Chính phủ, cùng các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ban hành một số văn bản, nghị định liên quan tới quy hoạch đô thị bền vững gắn liền với các yếu tố tự nhiên, như Thông tư 01/2018/TT-BXD Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, hoặc Quyết định 1259/QĐ-TTg, Phê duyệt quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Theo Quyết định này, Hà Nội sẽ được quy hoạch theo chuẩn “xanh”, đáp ứng các yêu cầu bền vững về môi trường thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng TP cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới.
Không những vậy, một số viện nghiên cứu trong nước đang tích cực phối hợp với các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để đưa ra các giải pháp phù hợp với Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã bắt đầu xu hướng xây dựng các dự án BĐS theo xu hướng xanh bền vững, như đẩy mạnh tỷ lệ cây xanh trên đầu người, giảm số lượng căn hộ, chung cư, nhà ở trong dự án,... Trong đó, khu đô thị Ecopark nằm ở phía nam Hà Nội đang trở thành mô hình kiểu mẫu trong quy hoạch phát triển xanh bền vững.
Nhận định về tiềm năng xây dựng đô thị xanh tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội khẳng định, Nam chưa có đô thị nào có thể gọi là “xanh”, nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được trong thời gian tới.
Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể học tập mô hình xây dựng đô thị xanh của Singapore.
Ngoài ra, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các thành phần kinh tế phải có trách nhiệm cùng nhau xây dựng đô thị xanh. Tuy nhiên, để làm được điều này bắt buộc, cơ quan quản lý phải có cơ chế ưu đãi nào đó cho các thành phần kinh tế tư nhân có động lực hưởng ứng vào việc xây dựng đô thị xanh.
“Để nói Việt Nam có xây dựng được đô thị xanh không. Tôi cho rằng làm được, nhưng lúc nào xuất hiện đô thị xanh thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cần được giải quyết từng bước”, bà An nói.
Việt Vũ