Điểm mới của Luật Đất đai: Cấm phân biệt đối xử trong quản lý, sử dụng đất

Ninh An

(Dân trí) - Luật Đất đai 2024 bổ sung quy định về nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý và sử dụng đất.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực mở ra nhiều cơ hội cho các nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội. Một điểm đặc biệt là Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể về việc cấm phân biệt đối xử trong quản lý và sử dụng đất đai.

Cụ thể, Điều 11 Luật Đất đai 2024 quy định về 11 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai bao gồm:

- Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.

- Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước về đất đai.

- Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

- Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.

- Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

- Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

Điểm mới của Luật Đất đai: Cấm phân biệt đối xử trong quản lý, sử dụng đất - 1

Một dự án chung cư tại TPHCM (Ảnh: Nhật Quang).

Tại Luật Đất đai 2013, những hành vi cấm bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12, gồm 10 hành vi.

- Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

- Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

- Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

- Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.

- Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

- Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung quy định cấm hành vi phân biệt đối xử trong quản lý, sử dụng đất đai. Việc cụ thể hóa trong văn bản pháp luật giúp thúc đẩy tiến bộ xã hội, giúp cả 2 giới đều được tiếp cận tốt hơn với các chính sách đất đai, công bằng và bình đẳng trong quản lý và sử dụng đất.

Việc bình đẳng giới đã được quan tâm nhiều hơn khi đã xuất hiện quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất. 

Các văn bản khác về dân sự, hôn nhân, thừa kế đều ít nhiều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quy định về bình đẳng giới trong thực tiễn đời sống. Tuy nhiên Luật Đất đai 2024 mới có quy định về nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý và sử dụng đất.

Hiến pháp 2013 cấm bất bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới 2006 quy định việc phân biệt đối xử là hạn chế, loại trừ, không công nhận vai trò, vị trí của nam và nữ. Phân biệt đối xử gây bất bình đẳng trong đời sống xã hội và gia đình.

Trên thực tế, hiện nay, bất bình đẳng vẫn còn tồn tại, đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất, ví dụ con gái lấy chồng không được chia đất, chỉ để lại nhà đất cho con trai để thờ cúng truyền nối, phân chia thừa kế không ngang bằng giữa con trai và con gái...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm