Đề xuất tái khởi động và dùng ngân sách để thanh toán dự án BT

Quế Sơn

(Dân trí) - Hình thức BT được biết đến là phương thức chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm huy động nguồn lực của khu vực tư nhân trong việc phát triển hạ tầng, dịch vụ, đô thị, phục vụ lợi ích quốc gia.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết đã nhận được văn bản số 6435 của Văn phòng UBND TPHCM “Về góp ý phương thức đầu tư theo hợp đồng BT”.

Trước đó, HoREA đã có văn bản số 72/2020 đề nghị rà soát để hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, bịt kín các lỗ hổng, để đủ điều kiện khởi động lại phương thức đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT).

Đây là một trong những phương thức thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm huy động nguồn lực của khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, dịch vụ, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, vừa không làm thất thoát tài sản công là quỹ đất và trụ sở làm việc.

Đề xuất tái khởi động và dùng ngân sách để thanh toán dự án BT - 1
Đề xuất tái khởi động và dùng ngân sách để thanh toán dự án BT

Theo đó, HoREA tán thành quyết định dừng thực hiện triển khai dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15/8/2020. Đồng thời, dừng triển khai dự án BT mới kể từ ngày Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Tuy nhiên, HoREA cho rằng việc dừng các dự án BT nên chỉ trong giai đoạn 2020 – 2022 để xây dựng hoàn thiện động bộ cơ chế chính sách, pháp luật. Vì vậy, trước hết cần tập trung rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước…

HoREA cũng đề xuất bổ sung quy định sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán dự án BT, là phương thức thanh toán chủ yếu. Bởi vì, tại Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định: “Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao”, mà “tài sản công” bao gồm “tiền thuộc ngân sách nhà nước”.

Thế nhưng tại các Khoản 1,2,3,4,5 của Điều 44 lại không quy định việc sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán dự án BT. Bên cạnh đó, Nghị định 63/2018 chỉ quy định nhà đầu tư dự án BT “được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác”, cũng không quy định việc sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán dự án BT.

Đề xuất tái khởi động và dùng ngân sách để thanh toán dự án BT - 2
HoREA cũng đề xuất bổ sung quy định sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” để thanh toán dự án BT

Do vậy hiện nay, không có quy định pháp luật nào hướng dẫn cụ thể việc sử dụng “tiền thuộc ngân sách nhà nước” thanh toán hợp đồng BT, nên trên thực tế không thực hiện được phương thức thanh toán dự án BT bằng “tiền thuộc ngân sách nhà nước”.

HoREA cho rằng, công trình BT thực chất cũng là một loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ công ích có giá trị lớn và hoàn toàn có thể được Nhà nước đặt hàng, thanh toán bằng tiền thuộc ngân sách Nhà nước theo phương thức mua sắm tài sản công.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm