Đề xuất cho địa phương tự quyết dự án nhỏ, Bộ Xây dựng nói gì?

(Dân trí) - Trước kiến nghị cho phép địa phương tự quyết các dự án nhỏ dưới 5 ha, Bộ Xây dựng cho biết sẽ ghi nhận và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật...

Đề xuất cho địa phương tự quyết dự án nhỏ, Bộ Xây dựng nói gì? - 1
Hình minh hoạ,

Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre liên quan đến việc quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Theo cử tri Bến Tre, về quản lý đầu tư và phát triển đô thị, tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định:

“UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng”.

Tuy nhiên theo cử tri tỉnh Bến Tre, quy định trên gây khó khăn trong triển khai các dự án, nhất là đối với các dự án có quy mô nhỏ dưới 5 ha do phải trình hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

"Do đó, để tạo sự thuận tiện, khuyến khích các nhà đầu tư, kiến nghị các bộ ngành Trung ương xem xét điều chỉnh quy định trên theo hướng chỉ trình xin ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô lớn, đối với các dự án có quy mô nhỏ (dưới 5 ha) thì phân cấp cho địa phương xem xét, quyết định”, cử tri kiến nghị.

Vể vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết Bộ đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị, ngoài ra để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

"Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre để tổng hợp, đề xuất việc tiếp thu và sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên", Bộ Xây dựng cho biết.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi tháng 7, vấn đề được nhiều địa phương kiến nghị là giải quyết các vướng mắc liên quan đất đai, trong quá trình giao đất, đấu thầu đất cho các dự án; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương…

Cụ thể như lãnh đạo Hải Phòng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đất đai như cho phép địa phương triển khai dự án sân golf tại nơi không có đất lúa và đất rừng, để đẩy nhanh tiến độ dự án, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; cho phép địa phương phê duyệt dự án vốn ngoài ngân sách có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng; đồng thời cho phép các địa phương được phê duyệt các dự án đầu tư công, với mức trên 1.500 tỷ đồng. 

Có đại biểu Quốc hội còn lên tiếng cho rằng, thời gian qua, việc đầu tư công chậm trễ, nhiều thủ tục là do phân cấp chưa mạnh, và phân cấp chưa đi với phân quyền cho nên năm nào cũng chậm trễ trong giải ngân đầu tư công. Do đó, cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương, thay “tiền kiểm” bằng “hậu kiểm”. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc có nên trao thêm nhiều quyền hơn cho địa phương cần được cân nhắc, thận trọng, tránh hệ luỵ, tiêu cực.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm