Đề xuất cho chủ đầu tư chia căn hộ lớn thành nhỏ, để nhà có giá 1,8 tỷ đồng

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản được đưa ra tại hội thảo về lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Tổ công tác của Thủ tướng cần công khai thông tin

Tại hội thảo về lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế diễn ra sáng nay (17/12), ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - đã đưa ra một loạt giải pháp cả trước mắt lẫn dài hạn gỡ khó cho thị trường bất động sản.

Ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương "bơm" nguồn vốn tín dụng bổ sung vào nền kinh tế đúng đối tượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, theo lãnh đạo HoREA, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 240.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đề xuất cho chủ đầu tư chia căn hộ lớn thành nhỏ, để nhà có giá 1,8 tỷ đồng - 1

Hội thảo có khoảng 200 đại biểu tham dự bao gồm lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương; doanh nghiệp và chuyên gia (Ảnh: BTC).

"Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, các dự án đang xây dựng dở dang, nhất là dự án sắp hoàn thành xây dựng", ông Châu nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Châu cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được công khai thông tin về hoạt động tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để làm tăng "niềm tin" của thị trường.

"Tổ công tác chỉ không cần phải công khai nội dung các vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp hoặc các giải pháp mà Tổ đang xem xét đề xuất", ông Châu đề xuất.

Ngoài việc nêu các giải pháp mang tính dài hạn, lãnh đạo HoREA cũng đề xuất một giải pháp đáng chú ý mang tính chất tình thế. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chia căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ (không làm tăng quy mô dân số quá 10%) để có nhiều sản phẩm mức giá khoảng 1,8 tỷ đồng/căn trở xuống.

Việc này, theo ông Lê Hoàng Châu, sẽ phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của đại đa số người dân.

"Chúng tôi thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết. Doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất", ông nêu quan điểm.

Thành lập trung tâm dữ liệu về hàng hóa bất động sản

Góp ý tại hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân - cũng cho rằng cần tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý. Tuy nhiên, cần hướng nguồn vốn vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao bằng cách ban hành các tiêu chí cụ thể, trong đó hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án bất động sản cao cấp.

Ông cũng đề xuất cần nghiên cứu sử dụng các công cụ thuế như thuế giao dịch bất động sản, thuế thu nhập, thuế tài sản... phù hợp để điều tiết, tránh đầu cơ, bình ổn thị trường bất động sản.

Ngoài ra, vị này kiến nghị thành lập trung tâm dữ liệu về hàng hóa bất động sản. Theo đó, trung tâm này sẽ do Nhà nước thành lập nhằm kiểm soát lượng cung và lượng cầu trên thị trường để có chính sách điều tiết hợp lý và kiểm soát các giao dịch qua sàn.

"Trung tâm lưu trữ dữ liệu sẽ được cập nhật thông tin từ các chủ đầu tư, từ các sàn giao dịch bất động sản trong quá trình thực hiện giao dịch hàng hóa bất động sản. Trung tâm dữ liệu sẽ hỗ trợ thông tin tin cậy cho các doanh nghiệp, khu vực các sàn giao dịch và người tiêu dùng", ông Chương nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh việc cần tiếp tục xem xét hình thành các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để phát triển các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản và phát triển các công cụ thị trường như chứng khoán hóa bất động sản. "Thành lập một định chế riêng cho vay bất động sản, trong đó nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn góp của các tổ chức tài chính khác... để phát triển thị trường bền vững, ổn định trong trung và dài hạn", ông đề xuất.

Có mặt tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Việc điều hành tín dụng sẽ theo hướng kiểm soát lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.