Đất nền "sốt nóng, sốt ảo": "Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?"
(Dân trí) - Đại diện Bộ Xây dựng trả lời câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với thông tin "sốt nóng, sốt ảo" của phân khúc đất nền thời gian qua.
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều nay (9/4), ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản đã trả lời một số nội dung về trách nhiệm của bộ ngành trong bối cảnh sốt đất nền tại nhiều địa phương trong thời gian qua.
Theo ông Ninh: "Về đất nền, cứ có quy hoạch, hạ tầng phát triển hoặc nâng cấp từ huyện lên quận sẽ khiến thị trường đất nền có biến động về giá. Theo quy định, Bộ Xây dựng có trách nhiệm quản lý chung về thị trường còn thị trường đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm".
"Thực tế, dân thấy thị trường có biến động giá thì xin phân lô, tách thửa… Vấn đề này là do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý và có trách nhiệm. Như vừa rồi, sốt đất tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đã giao 2 địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân", ông Ninh nói và nhấn mạnh "biến động thị trường đất đai là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường".
Như báo chí đưa tin thời gian vừa qua, thị trường bất động sản tại một số địa phương thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam hay Vân Đồn đang trong thời kỳ “hỗn loạn”. Hiện có rất nhiều dân buôn đất từ Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Nghệ An,... đổ về các địa phương này do nhận thấy giá đất tăng khủng khiếp nhờ hàng loạt thông tin về quy hoạch.
Cùng với đó là đội ngũ “cò mồi” ngày đêm sục sạo khắp trong làng, ngoài ruộng tìm mua đất, khiến cho giá tăng so với thời điểm cuối năm 2018. Điều đáng lo ngại là dù đã được cảnh báo, người dân vẫn lao vào ôm đất do ham lãi khủng. Đặc biệt với các nhà đầu tư lướt sóng, họ chấp nhận phần may rủi 50-50, để có thể kiếm nhiều tiền trong một vài tháng.
Trước đó, tại một hội thảo diễn ra cuối tuần qua, trước tình trạng đất nền “sốt” nóng xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, TS. Võ Trí Thành đã đặt câu hỏi: “Tại sao thông tin sốt đất nền tại nhiều nơi như TP.HCM, Phú Quốc, Vân Đồn,… thậm chí đã có những cảnh báo nhưng vẫn lặp lại những câu chuyện liên quan đến sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư, sự tắc trách của cơ quan quản lý, đầu tư theo tâm lý bầy đàn,…?”
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, khoảng hai năm trở lại đây phân khúc đất nền nổi lên. Có hai dạng đất nền được quan tâm, thứ nhất là đất nền tại các dự án được đánh giá đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp, nên các nhà đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Nếu như trước đây các nhà đầu tư này chủ yếu đầu tư chung cư, nay họ chuyển sang đầu tư đất nền vì họ nhận thấy đầu tư đất nền nhiều lợi nhuận và an toàn hơn.
Thứ hai, thông tin đầu tư đất nền ở những khu vực có khả năng “nổi sóng” (thông tin quy hoạch từ huyện lên quận, lên thành phố, hạ tầng giao thông,…).
“Ở loại hình đất nền này, sốt đất có một phần của chính quyền địa phương, một phần là do môi giới, có giao dịch mới có nguồn thu, nên nhiều môi giới đẩy lên thành sốt đất, khiến nhiều nhà đầu tư chạy theo tâm lý bầy đàn. Câu chuyện này đã diễn ra ở nhiều nơi như Phú Quốc, Vân Đồn,...”, ông Khởi cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, do tâm lý chuyển đổi đầu tư, hàng trăm căn hộ đầu tư đang bị đình trệ, đang phải rà soát lại do chính các nhà đầu tư và chính quyền địa phương nên nguồn cung thiếu, đặc biệt là nguồn cung có thể đem lại lợi nhuận. Do đó, các chủ đầu tư chuyển sang đầu tư đất nền cần ít vốn hơn chỉ cần đầu tư vào hạ tầng các nền đất, phân lô bán nền.
"Do đó, khi nào thông tin rõ ràng, minh bạch (ví dụ sáp nhập tỉnh thành, lên thành phố, lên quận) thì thị trường mới bớt sốt ảo, và không chạy theo tin đồn theo tâm lý đám đông", ông Khởi nói.
Trước giả định của ông Thành về việc nếu như tin đồn 3 tháng sau thành thật thì sao, ông Khởi cho rằng, độ trễ của thông tin thị trường bất động sản thường rất lâu. Thường hai năm sau mới thành thật, trong khi con sốt chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Nếu như một năm sau mà thông tin đẩy sốt đất không thành thật thì sốt đất sẽ "xẹp" ngay.
Phương Dung