Đang thấm đòn vì Covid-19, giới địa ốc lại vật vã vì sắp tháng "cô hồn"
(Dân trí) - Thị trường bất động sản vốn đã khó khăn vì Covid-19 nay lại rục rịch chuẩn bị bước sang tháng "cô hồn" khiến không ít doanh nghiệp lo lắng.
Vì sao lại kiêng kỵ tháng "cô hồn"?
Mấy ngày liền, chị Oanh (Hà Nội) liên tục nhận được cuộc gọi từ nhân viên môi giới sàn bất động sản giục “chốt" cọc mua nhà. Nhân viên này cho biết, nếu chị Oanh không nhanh thì sắp đến tháng Ngâu.
Theo lời giải thích nhân viên môi giới này, tâm lý khách hàng thường không muốn mua nhà vào tháng Ngâu hay còn gọi là tháng “cô hồn", nếu đã có ý định mua thì nên “chốt" ngay tháng 6 âm lịch.
Nhiều năm trở lại đây, các báo cáo về thị trường bất động sản đều thể hiện sự sụt giảm về giao dịch ở tháng 7 âm lịch.
Lý giải về tình trạng sụt giảm, chững lại của thị trường bất động sản trong thời điểm này, các chuyên gia đều khẳng định, điều này là bình thường. Bởi tháng Ngâu - được cho là tháng không may mắn trong kinh doanh và các nhà đầu tư thường có tâm lý tránh giao dịch trong tháng này.
Dù chiều hướng này đến nay có phần giảm bớt, nhiều nhà đầu tư hoặc người mua nhà thấy phù hợp thì “chốt", bất chấp những quan điểm cũ.
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản cho biết, nói chung nhiều người cũng không còn quá câu nệ về tháng Ngâu trong việc mua nhà.
“Nhưng vì là tháng mưa nên cũng có gây trở ngại cho thực hiện giao dịch về bất động sản, nhất là khi mua nhà xong thường phải sửa chữa lại thì mưa gió rõ ràng là một trở ngại”, ông Doanh nói. Hơn nữa theo vị chuyên gia, việc nhập trạch, chuyển nhà trong điều kiện trời mưa dầm cũng là một bất lợi. Cộng thêm trời mưa tạo tâm lý bớt hứng khởi nên không ít người không muốn mua nhà vào tháng Ngâu.
“Đặc biệt tháng 7 âm lịch lại là tháng có lễ xá tội vong nhân, dân gian gọi là tháng cô hồn nên nhiều người cũng kiêng mua nhà vào tháng này. Vì vậy giao dịch bất động sản tháng này bao giờ cũng trầm lắng”, ông Doanh cho biết.
Một giám đốc sàn bất động sản ở Hà Nội cho biết, Covid-19 khiến thị trường bất động sản suốt trong những tháng đầu năm chịu cảnh trầm lắng, vô số sàn phải đóng cửa.
“Độ 1,2 tháng này khách lại rục rịch quay trở lại xem, số lượng bán chưa phải là nhiều thì thời điểm này cùng lúc chúng tôi phải xác định khó khăn cả từ làn sóng Covid-19 thứ hai, cả tháng cô hồn", vị giám đốc chia sẻ.
Theo thống kê của Vndirect, trong quý 2, ngành bất động sản cũng sụt giảm lợi nhuận đến 29,3% so với cùng kỳ do khó khăn trong việc ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ và mở bán. Còn theo Savills, hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản hiện đang chứng kiến mức giảm sút lớn trong các giao dịch.
Doanh nghiệp lo sốt vó, sợ doanh thu tiếp tục sụt
Thị trường vốn đã khó khăn nay lại rục rịch chuẩn bị bước sang tháng Ngâu khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Theo kinh nghiệm từ những năm trước, để không ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tung ra các "chiêu" khuyến mãi nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng trước đó 2-3 tháng.
Đánh giá về việc các doanh nghiệp bất động sản tung ra nhiều chiêu khuyến mãi khách hàng trước tháng 7 âm, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng đây là một việc cần thiết. Những khách hàng không quá chú trọng về việc kiêng kỵ tháng Ngâu nếu thấy có giá cả hợp lý họ vẫn sẽ lựa chọn giao dịch tháng này.
Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản cho biết, thực chất tháng ngâu chỉ liên quan đến sự tích ông Ngâu bà Ngâu, Ngưu Lang, Chức Nữ, thực chất là tháng đoàn tụ chứ không hề ảnh hưởng gì đến chuyện tài lộc khi mua bán nhà.
"Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi cộng với quan niệm về tháng cô hồn nên tâm lý khách hàng vẫn tránh mua nhà vào tháng này. Vì người ta quan niệm căn nhà gắn bó lâu dài nên thà kiêng một chút thừa còn hơn, với quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Vì vậy giao dịch nhà đất tháng này thường trầm lắng", ông Doanh nhận định.
Nhận định về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2020, ông Doanh cho rằng, Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến bất động sản du lịch và shophouse, còn nhà ở, nhất là căn hộ chung cư cũng ảnh hưởng nhưng không nhiều.
"Covid - 19 tác động rất lớn đến kinh tế, nhưng chính vì thế mà vàng và bất động sản lại là kênh trú ẩn cho đồng tiền. Vì vậy nếu tình hình dịch kéo dài thì thị trường bất động sản cũng sẽ có khả năng dần dần hồi phục trong những tháng cuối năm", ông Doanh nói.