Dân đầu tư rút vốn khỏi bất động sản vì lo dịch kéo dài

Nhiều chủ đầu tư bất động sản đã lên kế hoạch hợp tác, bán một phần dự án. Nhiều nhà đầu tư ngắn hạn buộc phải bán gấp hàng để thu hồi vốn.

Dân đầu tư rút vốn khỏi bất động sản vì lo dịch kéo dài - 1

Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lo cách rút vốn khỏi thị trường bất động sản do tác động của dịch Covid-19

Trước dự báo dịch Covid-19 sẽ còn phức tạp ngay cả khi có vaccine, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã lên kế hoạch hợp tác, bán một phần để giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió. Nhiều nhà đầu tư ngắn hạn buộc phải bán gấp hàng để thu hồi vốn.

Chấp nhận bán hòa tiền để cắt lỗ

Anh Đ.T.T, một nhà đầu tư tại TP HCM mua đất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cách đây 2 năm, anh đã “ôm” vài căn biệt thự tại dự án Barya Citi Bà Rịa. Đây là dự án đẹp nhất tại địa phương này, nằm ngay trục đường Nguyễn Văn Cừ nối dài thuộc phường Long Toàn, sát trung tâm hành chính tỉnh, hạ tầng tốt, đường sá đi lại tiện lợi, từ TP HCM xuống chỉ khoảng hơn 1 giờ.

Theo tính toán của anh T., nếu đầu tư vào đây ngay từ đầu, sau khi nhận sổ hồng sẽ có lời, đầu tư dài hạn càng hứa hẹn gia tăng lợi nhuận. Thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, làm ăn khó khăn, để giảm áp lực vay vốn ngân hàng, anh T. quyết định bán toàn bộ các căn biệt thự bằng giá vốn đã mua.

Chị H.Thu, một khách hàng mua nhà tại dự án Flora Novia của chủ đầu tư Nam Long ngay trên trục đường Phạm Văn Đồng phường Linh Tây, Thủ Đức, TP HCM cũng chung cảnh ngộ. Theo kế hoạch, đây là thời điểm chị phải đóng tiền đợt cuối để nhận nhà. Nhưng do từ đợt dịch Covid-19 lần 1 chị đã nghỉ làm, nên chi tiêu của gia đình trông cả vào chồng.

Trong khi đó, công ty của chồng chị cũng bị cắt giảm 30% thu nhập nên việc trả vốn, lãi cho ngân hàng rất căng thẳng. Không thể chờ được đến khi nhận nhà, nhận sổ hồng để bán có lời, chị Thu đành quyết định bán lại.

Anh Đ. Văn Nhân, một doanh nhân nhà ở quận 2, TP HCM thừa nhận, gần đây anh vẫn nhận được danh sách tài sản cần bán mà người quen đưa tới, từ căn hộ, nhà đất, thậm chí cả dự án. Dù giá khá hấp dẫn, song anh Nhân phải cân nhắc rất kỹ, vì mua ở thời điểm này rất khó để đẩy hàng đi, vốn lại bị găm cả một cục.

Theo ông Hoàng Văn Hình, Giám đốc kinh doanh Công ty Phát triển nhà Đông Nam Bộ, dù thị trường có gặp khó khăn dịch bệnh nhưng đến nay cũng chưa xuất hiện tình trạng bán tháo. Với những nhà đầu tư ngắn hạn tính theo tháng, theo quý, gặp đúng lúc thị trường chậm, đi xuống thì chắc chắn phải bán hàng đi để cắt lỗ.

Còn những nhà đầu tư dài hạn theo năm, thường thì họ đã có kịch bản tài chính nên sẽ không dễ gì bán ra. Hơn nữa, thị trường đang sẵn nhiều sản phẩm ở giai đoạn hoàn thiện, nghĩa là khách hàng phải đóng gần như 95-100% nên không phải bán với giá vốn là ai cũng có tiền mua, nên giao dịch trên thực tế chưa có sự đột biến.

“Hiện, nhiều công ty bất động sản có chính sách thu mua lại theo giá khách hàng mua nên nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể đàm phán giãn tiến độ thanh toán, giảm nợ… để hạn chế rủi ro khi phải bán tháo. Thực tế một số doanh nghiệp bất động sản cũng sẵn sàng thoả thuận, thương lượng, chia sẻ khó khăn với khách hàng”, ông Hình nói.

Chủ một doanh nghiệp địa ốc tại TP HCM chia sẻ, ai cũng biết mua nhà lúc này giá tốt nhưng nếu mua để lướt sóng kiếm tiền thì cũng khó vì giao dịch chậm, thanh khoản kém, chưa biết bao giờ thu hồi được vốn. “Bởi vậy cuộc chơi này dành cho những người có nhiều tiền. Đây cũng là cơ hội lớn cho các thương vụ thâu tóm, mua bán, sáp nhập… trên thị trường bất động sản”, vị này cho hay.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hải Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, do dịch bệnh kéo dài, kinh tế chưa thể phục hồi ngay nên nhiều người có nhu cầu bán nhà, bán đất là đương nhiên. Ở một khía cạnh khác, đối với các nhà đầu tư, đây lại là giai đoạn, là cơ hội mà trong điều kiện bình thường rất khó để mua được.

Theo bà Thuỳ Dung, chuyên gia của CBRE Việt Nam, các thương vụ mua bán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh do tác động từ kinh tế nói chung. Đặc biệt việc giới hạn tỷ lệ vốn cho vay ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng góp phần làm cho dòng vốn đổ vào bất động sản khan hiếm hơn. Cùng với đó là việc nhiều sản phẩm vừa ra mắt không bán được do dịch bệnh. Điều đó sẽ một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính sẽ phải tìm kiếm, chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án theo hình thức mua bán toàn bộ hoặc một phần dự án.