"Loạn" thông tin cắt lỗ bất động sản thời Covid-19
Núp bóng làn sóng bán cắt lỗ, bán thanh lý nhà đất vì khó khăn do dịch Covid-19, nhiều đối tượng đang tung chiêu lừa người mua nhà, mua những lô đất với giá trị cao, không hề rẻ như quảng cáo.
Chiêu trò cắt lỗ kiếm lời
Thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Gần đây, khảo sát trên thị trường, trên nhiều diễn đàn bất động sản, trang giao dịch buôn bán bắt đầu xuất hiện dồn dập thông tin "cắt lỗ" căn hộ, đất nền… vì dịch Covid-19", "cần tiền bán gấp", "bán cắt lỗ sâu", "bán giá thấp chưa từng có"…
Tại một website chuyên về bất động sản có rao bán một căn hộ chung cư 90 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích 96,5 m2 (3 phòng ngủ) với giá 27,9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi PV liên hệ hỏi lại thông tin thì chủ số điện thoại đăng theo thông tin trên lại khẳng định, không còn giá trên và tăng lên tới 30-34 triệu đồng/m2.
Tương tự, thông tin rao bán cắt lỗ sâu căn hộ 2 phòng ngủ Phương Đông Green Park (Hoàng Mai, Hà Nội) giá 1,3 tỷ đồng/ căn. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là thông tin của "cò đất" đang rao bán về dự án vừa ra mắt gây đây.
Theo chia sẻ của anh Thắng - một nhân viên môi giới ở Hà Nội thừa nhận, thật ra các nhà đầu tư cũng không cắt lỗ nhiều, họ thường sẽ bán hòa vốn hoặc chỉ chịu lỗ một ít so với giá mua vào. "Nguyên nhân là do khi nhà đầu tư quyết định xuống tiền, họ đã tính dòng tiền sẽ về đều hàng tháng. Không may, khi dịch Covid-19 xuất hiện, những người vốn mỏng không làm chủ được tài chính sẽ rơi vào cảnh khó khăn nên buộc phải đẩy hàng đi nhanh để thu hồi vốn", anh Thắng nói.
Nhận định về thông tin cắt lỗ hàng loạt sau dịch Covid-19, anh Nguyên - một nhà đầu tư cho rằng, kể cả giai đoạn trước khi có dịch Covid-19, tình trạng chủ đầu tư rao bán cắt lỗ vẫn bình thường. Trường hợp này thường là những người muốn giao dịch nhanh hoặc cũng có thể là căn hộ có vị trí không đẹp nên họ muốn bán rẻ.
"Chẳng có lý do gì mà các nhà đầu tư phải cắt lỗ hàng loạt trong khi nhiều trường hợp họ đã phải chấp nhận bán hòa vốn. Môi giới đăng ở đâu mà không ghi cắt lỗ, nếu ghi bán lãi thì ai muốn hỏi mua nữa", anh Nguyên nói.
Giá bất động sản không giảm
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 1/2020, giá bất động sản tại một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển có biến động. Tuy nhiên mức độ biến động không lớn.
Cụ thể, tại TP. Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%. Còn đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo cũng cho biết tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, báo cáo quý 1/2020 của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và cũng chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Về giá bán căn hộ tại các đô thị, giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.
Ngược lại, giá căn hộ phân khúc cao cấp trong quý 2/2020 có thể giảm do lực bán chậm dẫn đến áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá. Còn giá bán nhà đất và đất nền sẽ phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, bất động sản nằm trong nhóm ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp lớn nhất của dịch Covid-19.
"Nhóm nhà đầu tư đã mua bất động sản thuộc phân khúc nghỉ dưỡng sẽ khó thoát ra khỏi khoản đầu tư hiện tại, đồng thời gặp khó khăn trong việc chuyển hướng đầu tư hoặc cố gắng khai thác phòng hay các tiện ích nội khu", vị này nhận định.
Với phân khúc nhà ở, TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, hiện vẫn còn khá sớm để đánh giá tổng quan sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường.
"Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn. Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch và các chủ đầu tư hiện cũng đang cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình hiện nay hay không", ông Khương cho hay.