Đại gia bất động sản "ngấm đòn", lợi nhuận lao dốc, tồn kho tăng mạnh
(Dân trí) - Covid-19 “giáng đòn đau” xuống bất động sản, lợi nhuận sụt giảm mạnh; "Hàng tồn kho" vô cùng lớn của loạt đại gia bất động sản... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Covid-19 “giáng đòn đau” xuống bất động sản, lợi nhuận sụt giảm mạnh
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố chiều nay (21/8), số doanh nghiệp niêm yết phải công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 tại HNX là 348 công ty (không bao gồm 9 công ty niêm yết thay đổi niên độ kế toán).
Tính đến ngày 17/8/2020 đã có 343 công ty công bố báo cáo tài chính quý 2/2020.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng cho thấy, trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn này thì doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản là có tổng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế ngành bất động sản trong nửa đầu năm nay ghi nhận giảm sút tới 79,4%, từ 634,3 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019 giảm xuống 130,7 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020.
Soi "hàng tồn kho" vô cùng lớn của loạt đại gia bất động sản
Con số tồn kho của một số doanh nghiệp bất động sản tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020.
Bất ngờ nhất trong danh sách phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG).
Công ty bất động sản này mới niêm yết trên HoSE từ đầu tháng 1 năm nay và giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2019 là 2.611 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ sau 6 tháng, AGG đã nhảy vọt đứng trong nhóm các công ty bất động sản niêm yết có hàng tồn kho rất lớn.
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 của AGG cho thấy, hàng tồn kho tính đến 30/6/2020 của công ty là 4.906 tỷ đồng, tăng gần 88% so với hồi đầu năm.
Chậm trễ trả nhà công vụ vì… chưa được bố trí nhà ở xã hội
Tình trạng bị chậm trễ trong thu hồi nhà công vụ được Bộ Xây dựng lý giải là do một số cán bộ sau khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ thực tế có khó khăn về nhà ở, sau khi trả lại nhà ở công vụ nhưng chưa được giải quyết nhà ở xã hội.
Nhà công vụ, theo quy định của pháp luật là loại tài sản công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Nhà nước dùng ngân sách để chi trả những chi phí trong quá trình cán bộ công chức đương chức có nhu cầu và đủ điều kiện sử dụng. Khi cán bộ công chức nghỉ hưu có nghĩa tài sản ấy phải được hoàn trả để tiếp tục sử dụng theo quy định.
Thế nhưng lâu nay, bên cạnh những lãnh đạo chủ động trả lại nhà công vụ khi kết thúc công tác thì có không ít trường hợp không chịu trả lại. Cơ quan quản lý Nhà nước phải đi "đòi", mà "đòi" nhiều lần, quan chức ấy vẫn không chịu trả.
Khổ trăm bề khi mua nhà ở xã hội
Điển hình, tại dự án NƠXH Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) do Công ty CP Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Công ty Hoàng Quân) làm chủ đầu tư. Dự án này đã khiến người mua nhà không ít lần phải căng băng rôn đòi nhà , vì chủ đầu đã quá nhiều lần trễ hẹn giao căn hộ.
Cũng liên quan đến Công ty Hoàng Quân, dự án NƠXH HQC Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng khiến người mua nhà “khóc ròng”. Cụ thể, gần 5 năm qua, những người dân mua căn hộ tại khối A1 thuộc dự án NƠXH HQC Nha Trang vẫn chưa được nhận nhà dù đã đóng tiền đầy đủ và dự án cũng đã hoàn thành.
Theo một người dân cho biết, người mua nhà hầu hết là công chức, lao động nghèo phải thuê nhà ở. Khi được duyệt mua căn hộ tại dự án NƠXH ai cũng mừng, mong chờ được nhận nhà để thoát cảnh ở trọ. Thế nhưng, đến nay là 5 năm rồi mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao nhà.
Môi giới bất động sản lại "ngồi chơi xơi nước" vì... Covid-19 tái xuất
Dịch bệnh tái bùng phát lần nữa đang khiến cho doanh nghiệp lẫn nhân viên bán hàng như ngồi trên “đống lửa”. Một số doanh nghiệp đã quay lại trạng thái cắt giảm nhân viên bán hàng.
Thái Văn Tùng (ngụ quận 9, TPHCM), nhân viên bán hàng tại một doanh nghiệp bất động sản cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid 19 hiện nay vẫn còn rất lớn đối với thị trường địa ốc. Nhiều đồng nghiệp “sale” vừa trở lại đang phải đối mặt tiếp tục bị thất nghiệp.
“Do ảnh hưởng của dịch nên lượng giao dịch đã giảm, vì vậy công ty buộc phải cắt giảm bớt nhân viên bán hàng. Trước kia công ty đến gần 30 bạn “sale”, khi dịch bùng phát công ty chỉ giữ nổi khoảng 10 người. Vừa mới trở lại, công ty đã tuyển lại một số bạn cũ nhưng dịch tái bùng phát lần nữa…, nguy cơ nhiều bạn phải tiếp tục thất nghiệp”, Tùng chia sẻ.