Cuộc đua trái phiếu: Điểm danh “đại gia” địa ốc vừa phát hành số lượng khủng
(Dân trí) - Các doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu trong tháng 10. Trong số này, Công ty TNHH Vinametric – chủ sở hữu của khách sạn Saigon Prince Hotel phát hành tổng cộng 3.705 tỷ đồng.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của SSI Retail Research cho biết, các doanh nghiệp bất động sản gia tăng phát hành trái phiếu trong tháng 10.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 178.732 tỷ đồng (số liệu bao gồm cả các lô phát hành ra công chúng nhưng không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố).
Trong đó các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 79.411 tỷ đồng (chiếm 44,4%), đứng sau là các doanh nghiệp bất động sản (61.269 tỷ đồng – chiếm 34,3%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác
Theo nhóm chuyên gia SSI, tính riêng tháng 10/2019 có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành nhưng chủ thể phát hành nhiều không phải là các ngân hàng thương mại mà thuộc về các công ty bất động sản với 9.349 tỷ đồng trái phiếu được phát hành.
Trong đó, riêng Công ty TNHH Vinametric – chủ sở hữu của khách sạn Saigon Prince Hotel phát hành tổng cộng 3.705 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất thả nổi (kỳ đầu 10.5%/năm, các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu +3.65%/năm), kỳ trả lãi 6 tháng; toàn bộ đều do Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương làm đầu mối phát hành, lưu ký.
Đứng thứ 2 là Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm và toàn bộ do HDBS thu xếp phát hành, lưu ký.
Đáng lưu ý theo nhóm chuyên gia SSI, tại báo cáo tài chính quý 3/2019, Land Saigon ghi nhận lỗ 14.2 tỷ đồng, hệ số nợ/tổng tài sản lên tới 69%, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nên việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu là khá rủi ro.
Thời gian qua xuất hiện làn sóng phát hành trái phiếu rầm rộ của các doanh nghiệp bất động sản. Theo lý giải chuyên gia, với việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến kênh huy động vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã và đang phải đẩy mạnh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất thậm chí ở mức 14%/năm. Việc ồ ạt huy động vốn cùng với mức lãi suất cao ngất ngưởng cũng gây nhiều lo ngại.
Đáng lưu ý, mới đây một nhóm công ty địa ốc như Bất động sản Hoa Anh Đào; Bất động sản Hoa Phượng; Bất động sản Lan Việt và Bất động sản Nova Lexington báo lỗ liêu xiêu dù trước đó huy động lượng vốn “khủng” từ kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, tại kỳ báo cáo tính đến hết 30/6/2019, Bất động sản Hoa Anh Đào báo lỗ 28,47 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty này là gần 71 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 9,12 lần.
Bất động sản Hoa Phượng báo lỗ 27,54 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu chỉ 55,64 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 16,19 lần. Bất động sản Lan Việt cũng báo lỗ hơn 21 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 128 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 5 lần).
Bất động sản Nova Lexington cũng báo lỗ tới 154 tỷ đồng, (vốn chủ sở hữu là 267,56 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là gần 11 lần).
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2018, cả 3 công ty Bất động sản Hoa Anh Đào; Bất động sản Hoa Phượng; Bất động sản Lan Việt huy động thành công 1.398 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp thu về 466 tỷ đồng).
Trong khi đó, Bất động sản Nova Lexington huy động thành công 2.387 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vào ngày 17/10/2017.
Việc kinh doanh thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về khả năng thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn cho trái chủ.
Nguyễn Mạnh