Cụ bà 5 năm đi đòi nhà: "Tôi sợ mình chết trước khi đòi được"
(Dân trí) - Cụ bà Nguyễn Thị Châm (76 tuổi) tâm sự như vậy sau 5 năm ròng rã ở trọ và đi đòi căn nhà của chính mình.
Tại hội thảo "Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư", bà Nguyễn Thị Châm, nhân vật chính trong bài viết "Mua căn hộ 5 năm, cụ bà 76 tuổi vẫn không được ở vì lý do rất… trời ơi" của báo Dân trí cũng đã có mặt.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Châm cho biết, 5 năm qua, bà không được vào nhà mình tại tầng 2, khu D, chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè, TP HCM) mà phải đi thuê nhà trọ để đi tìm công lý, dù căn hộ của bà tại chung cư này đã được cấp "sổ hồng".
"Tôi đến đây để hỏi các cơ quan chức năng rằng Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh cắt điện, nước, đổ keo vào ổ khóa nhà tôi, không cho chúng tôi sử dụng thang máy, không cho sử dụng thang bộ là đúng hay sai? Căn hộ của chúng tôi có sổ hồng, UBND huyện Nhà Bè, Thanh tra Sở Xây dựng cũng thừa nhận căn nhà của chúng tôi sử dụng hợp pháp và yêu cầu Ban quản trị chung cư hỗ trợ gia đình tôi vào ở. Thế nhưng, Ban quản trị chung cư vẫn nhất quyết không thực hiện", bà Châm nói.
Theo bà Châm, Ban quản trị chung cư tiếp tục đi nói với các cư dân khác về việc các căn hộ tại tầng 2 là phòng cộng đồng của chung cư. Những căn hộ này thuộc loại sở hữu không hợp pháp và nhất quyết không tạo điều kiện cho bà Châm vào sinh sống.
"Tôi chỉ sợ tôi chết trước khi đòi được nhà vì hiện tôi đã rất yếu", bà Châm nói.
Ông Hà Minh Tân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND huyện Nhà Bè (TP HCM), cho biết, UBND huyện đã nhiều lần làm việc với bà Châm và Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh.
UBND huyện đã giải thích rõ ràng cho Ban quản trị hiểu rằng bà Châm sở hữu nhà hợp pháp. Việc này cũng đã được Thanh tra Sở Xây dựng kết luận "các căn hộ tại tầng 2 là phù hợp thiết kế được duyệt". UBND huyện cũng yêu cầu Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh mở cửa cho người dân vào sinh sống.
"Chúng tôi đang yêu cầu Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh làm việc với UBND huyện với đầy đủ các thành viên trong Ban quản trị, tránh kéo dài vụ việc. Chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND TP HCM về vụ việc này", ông Tân nói.
Ông Nguyễn Duy Thành, TGĐ Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu, cho biết, bà Châm hoàn toàn có thể làm đơn gửi lên Cảnh sát PCCC để khiếu nại về việc chặn cầu thang bộ của Ban quản trị. Bởi, đây là đường thoát hiểm của cư dân. Cầu thang bộ thoát hiểm liên quan đến sinh mạng của nhiều người. Nếu Cảnh sát PCCC không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản.
"Người trong Ban quản trị chung cư thường là những người hay nói chuyện bằng luật. Tuy nhiên, một bộ phận Ban quản trị chung cư lại không am hiểu về luật. Ban Quản trị thường là những người lớn tuổi, về hưu hoặc một số người trẻ chỉ coi công việc trong Ban quản trị là việc làm cho vui", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết, Nghị định 139/2017 của Chính Phủ đã nêu rất rõ về trách nhiệm của UBND quận, huyện về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư là xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm.
"Thứ nhất, UBND quận, huyện phải kiểm tra. Thứ hai, có vi phạm phải xử lý. Thứ ba, nếu không đủ thẩm quyền xử lý thì phải đề nghị cơ quan cấp trên xử lý. Tức, nếu Chủ tịch UBND quận, huyện không xử lý được thì phải đề nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý. Chủ tịch quận, huyện nếu không xử lý được và cũng không đề xuất phương án xử lý với cấp trên thì chưa làm hết trách nhiệm của mình", ông Hùng nói.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, trong vụ việc của bà Châm, UBND huyện Nhà Bè đang xử lý khá "mềm mỏng". Trong khi đó, chính quyền huyện này có đầy đủ các lực lượng hỗ trợ như công an, thanh tra xây dựng…
Ngoài ra, hành lang pháp lý cũng quy định rất rõ ràng về việc xử phạt các trường hợp vi phạm như Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh. Tuy nhiên, việc vận dụng pháp luật của cán bộ thuộc UBND huyện Nhà Bè hiện chưa phù hợp với thực tiễn.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, bà Nguyễn Thị Châm được con trai tặng 3 căn hộ 2.1, 2.5, 2.6 tại tầng 2, khu D, Cao ốc Phú Hoàng Anh để dưỡng già. Các căn hộ này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cấp "sổ hồng".
Bà Châm đã nhận bàn giao nhà và chìa khóa từ chủ đầu tư vào tháng 7/2017 sau khi tất toán các khoản thanh toán cũng như thuế, phí.
Sau khi vào nhà của mình, bà mờ công ty thiết kế nội thất xem xét và ký hợp đồng để thực hiện. Xuống văn phòng Ban quản lý chung cư yêu cầu mở nước để tiến hành thi công nội thất, bà được thì Ban quản lý trả lời sẽ xin ý kiến của Ban quản trị chung cư để cung cấp dịch vụ điện, nước.
Tuy nhiên, khi bà Châm quay trở lại căn hộ của mình thì Ban quản trị đã yêu cầu Ban quản lý khóa thang máy, cho keo vào ổ khóa nhà nên bà không thể mở khóa. Đồng thời, Ban quản lý cũng khóa luôn cả hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm nên từ đó đến nay bà Châm không vào nhà của mình được.
Ông Lê Cường, đại diện Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh, cho biết, sở dĩ Ban quản trị không cung cấp điện, nước cho căn hộ của bà Châm là do Quyết định số 55 ngày 29/4/2008 của Sở Xây dựng TP HCM về việc phê duyệt thiết kế của dự án Phú Hoàng Anh không có tầng 2.
Ngoài ra, Ban quản trị cũng chưa được bàn giao các hồ sơ pháp lý của 6 căn hộ tầng 2, khu D từ Ban quản trị cũ nên Ban quản trị này không tiến hành giải quyết yêu cầu của bà Châm.
Cũng theo ông Cường, nếu muốn Ban quản trị chung cư cung cấp dịch vụ cho 6 căn hộ ở tầng 2, các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm nội dung cho Quyết định 55. Bởi theo Quyết định 55 thì Ban quản trị chung cư chỉ cung cấp dịch vụ cho 829 căn hộ và không có 6 căn hộ tại tầng 2 (bao gồm cả các căn hộ của bà Châm).
Chính vì vậy, Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh sẽ tiếp tục không hỗ trợ dịch vụ cho gia đình bà Châm và các hộ dân khác.