Hoang tàn sau cơn sốt: Phú Quốc ngàn mảnh đất hoang

Những ngày này, Phú Quốc đã yên ắng sau cơn sốt đất như vũ bão quét qua hồi đầu năm 2018.

Trăm người bán, không người mua

Dạo một vòng quanh đảo ngọc, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy hàng loạt biển rao bán đất. Giấy bán đất treo ở tất cả những nơi nào có thể treo được, từ cột điện, gốc cây cho tới tường nhà. Chỗ nào không có cây cột thì người ta cắm cọc để treo. Giấy bán đất phất phơ tung bay trong gió, mang theo mong mỏi cùng nỗi buồn vời vợi của chủ đất.

Nếu như trước kia, “cò” đất nhiều hơn khách du lịch thì nay, “cò vạc” đìu hiu như chợ chiều, cả ngày ngồi “ngáp ruồi” ở quán nước. Chúng tôi thuê một chiếc xe đi thám thính quanh đảo, anh lái xe tên Hiền lúc nào cũng nói cười rôm rả và không quên mời gọi mua đất.

Hoang tàn sau cơn sốt: Phú Quốc ngàn mảnh đất hoang - 1

Biển rao bán đất treo ở gốc cây.

Hiền dẫn chúng tôi tới những mảnh đất cỏ mọc như rừng hoang, trước đây người mua kẻ bán tấp nập như chợ cá. Hiền cho biết, mảnh đất (ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương) có diện tích 5000m2 (5 công) chủ cuối cùng đã mua với giá 15 tỷ thời điểm “sốt đất”.

Bà chủ này ở tận Hà Nội, tính “nuôi” ít ngày rồi bán với giá 27 tỷ nhưng không ngờ qua “cơn sốt”, tìm mãi không có người mua. Bà chủ hạ giá còn 17 tỷ vẫn không tìm được mối bán. Cuối cùng, bà phải ký gửi lại tại văn phòng giao dịch nhờ qua môi giới. Ít ngày trước, bà vừa bay vào xem tình hình đất đai ra sao để đẩy đất đi.

Bà này ủ rũ nhăn nhó muốn khóc vì số tiền đổ vào mua đất là tiền vay lãi ngân hàng. Bây giờ mỗi tháng phải trả hơn một trăm triệu tiền lãi. Bà chấp nhận chịu thiệt, bán huề vốn nhưng người mua vẫn như bóng chim tăm cá. Thậm chí, chẳng có ai thèm trả giá.

Hiền cho biết thêm, thời điểm “sốt đất”, anh chạy xe chở người đi mua đất kiếm chục triệu mỗi ngày là chuyện bình thường. Thấy người ta đi làm “cò” nhiều quá, Hiền cũng bỏ xe đi “cò”. Anh này “cò” được hai lô đất kiếm 3 trăm triệu tiền hoa hồng chỉ trong một buổi sáng.

Ở đây, có người làm cò mà đổi đời chỉ sau một đêm ngủ dậy. Số là có khu đất trị giá vài chục tỷ đồng, ngoài tiền “hoa hồng” cứng là 2% từ chủ bán đất, “cò” còn hưởng lợi từ người mua. Tậu được mảnh đất ưng ý, họ chẳng ngại ngần vung tay chi cho “cò” vài trăm triệu.

Sau sơn sốt đất tại Phú Quốc, người ngậm quả đắng đều là dân đầu tư lớn đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Người đổi đời, thoát kiếp nghèo hèn lại chính là “cò”. Bộ phận này đa phần là dân lái xe, buôn bán hoặc những người nông dân cả đời làm bạn với nương rẫy, biển cả.

Khi chúng tôi ngồi nghỉ chân tại quán cà phê ven đường dẫn vào xã Cửa Cạn, không biết từ đâu xuất hiện một cặp đôi nam nữ rất lịch thiệp tới chào hỏi. Theo giới thiệu thì một người tên Việt và người kia tên Hương, là dân gốc Phú Quốc, nhà ở xã Cửa Cạn.

Việt hỏi chúng tôi đi du lịch hay ra mua đất? Chúng tôi nói đi mua đất thì mắt Việt sáng lên, bảo Hương đưa ra một xấp giấy tờ bản phô tô sổ đỏ. Việt nói, đây là đất khách hàng gửi bán với giá gốc, rất rẻ. Nếu đầu tư vào đây thì khoảng tháng 10 năm nay sẽ “một ăn mười”.

Hoang tàn sau cơn sốt: Phú Quốc ngàn mảnh đất hoang - 2

Dự án Donasea Villas 5 tại Phú Quốc.

Còn nếu “liều mạng” thì mua đất không có sổ, giá rẻ như mớ rau. Việt khoe đang có vài trăm hecta đất giấy tay và đảm bảo từ nay đến cuối năm sẽ làm được sổ. Để minh chứng cho điều mình nói, Việt chìa ra một tờ giấy Quyết định (không biết giả hay thật) tiếp tục xây dựng Phú Quốc thành đặc khu kinh tế. Việt láu liên thuyết giảng như một chuyên gia kinh tế thật sự khiến chúng tôi hoa hết cả mắt.

Cuối cùng, Việt dẫn đi xem đất. Tại một số lô đất Việt chỉ, bảng bán đất treo cả trên ngọn cây, không một bóng người lai vãng tới. Sau khi giá đất trở về vạch xuất phát, tập đoàn “cò” đất tan tác khắp nơi. Kẻ quay trở về làm dân chài lưới, người tiếp tục nghiệp tài xế. Thi thoảng bắt được mối lái nào thì lai dắt, nhưng 10 lô may lắm chỉ được một lô thành công.

Hết thời "cò chỉ"

Quay trở lại chuyện đất ở Phú Quốc, khi chúng tôi vừa bước chân vào xem đất tại dự án Donasea Villas 5, lập tức có một “cò đất” phóng xe máy tới hỏi thăm. Ông này giới thiệu tên Thanh, là chủ thầu công trình xây dựng, hiện đang làm cho mấy dự án lớn tại Phú Quốc. Nói một hồi cuối cùng ông vẫn chăm chăm hướng khách hàng sang vấn đề đất cát.

Ông chỉ tay ra phía con suối và cánh rừng trước mặt nói, sắp tới ở phía ấy sẽ có một con đường cao tốc lớn nhất, đẹp nhất của Phú Quốc. Ngay đường dẫn lên cao tốc có một đám vườn 3 công đất của một người bạn đang cần bán gấp vì kẹt tiền. Chúng tôi hỏi, đất tiềm năng như vậy sao không “ém” mà chờ thời.

Hoang tàn sau cơn sốt: Phú Quốc ngàn mảnh đất hoang - 3

Đất của ông N. mua chỉ có một diện tích nhỏ, còn lại là suối.

Ông Thanh thở dài: “Biết là vậy nhưng kẹt quá đành phải buông chứ sao. Anh chị mua được chỗ đó là đổi đời như chơi”. Đến phần giá, ông cho biết, nếu trong thời điểm “sốt đất” thì mỗi công tầm 10 tỷ nhưng nay bán rẻ 5 tỷ thôi. Đất có sổ đỏ đàng hoàng. Mua được thì chia tiền cà phê cho ông là được chứ chỗ quen biết ông không kê thêm.

Khi chúng tôi muốn đi thăm đất thì ông Thanh bốc máy gọi cho một người, chẳng biết đầu dây bên kia nói gì nhưng phía này ông Thanh hỏi: “Mày có biết lô đó không? Mày tới nhà thằng Mạnh nói nó liên hệ với ổng, bả có người muốn xem đất”. Nghe ông Thanh nói chuyện xong, chúng tôi chỉ biết cười. Đúng là có đủ loại “cò”, đủ chiêu trò buôn bán kiếm chác.

Thời gian trước, còn có loại “cò chỉ”, tức là chuyên đi chỉ đất rồi lấy tiền cọc trước. Những người này sau khi lôi kéo được khách hàng đi xem đất thì sẽ kiếm một miếng nào đó vuông vắn, đẹp đẽ rồi dẫn khách tới chỉ trỏ, nói là đất của mình. Sau đó thì lấy tiền cọc giữ chỗ khoảng vài chục triệu đồng. Vì khách hàng nhiều, ai cũng muốn dành lấy để mua nên sẵn sàng đưa cọc.

Mặc dù có ghi giấy nhận tiền nhưng sau đó thì “cò chỉ” mất hút, không ai làm gì được. Một bộ phận khác tinh vi hơn là đi phô tô hàng loạt sổ đỏ rồi đưa cho khách hàng làm tin.

Chỉ cần gặp nhau ở quán nước, nói dăm ba câu, đưa cho xem giấy tờ phô tô là “cò” cuỗm được mớ tiền giữ chỗ. Rất nhiều người đã ngậm đắng nuốt cay bởi chiêu trò “ma quái” này của dân “cò”. Sau khi biết mình bị lừa, một số người đã làm đơn tố cáo.   

Phú Quốc thật sự rất đẹp, đầy tiềm năng kinh tế và du lịch nhưng hiện tại thì đảo ngọc đang là một đại công trường dang dở với những dự án bỏ hoang, những mảnh đất vắng chủ.

Đất “ảo” trên giấy thật

Nhiều dự án đang xây dựng giang dở không biểu vì lý do gì bỏ dở, nhà cửa, tường rào rêu xanh phủ kín. Những người có đất đều chịu cảnh ôm đất, khóc cười với đất. Nhưng vẫn còn may hơn người mua đất mà không thấy đất ở đâu. Chúng tôi theo chân ông P.X.N (ngụ Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh) đi tìm đất của mình mua tại dự án đất nền Donasea Villas 5 do công ty Donaland làm chủ đầu tư.

Thời điểm “nóng” về đất, ông N. ra Phú Quốc và được bà V.T.B chào bán lô đất của mình mới mua tại dự án Donasea Villas với giá 5,2 tỷ đồng. Nghe bà B. giới thiệu những tiện ích của dự án rất hấp dẫn, nào là vị trí được bao bọc bởi nhiều khu phức hợp nghỉ dưỡng tại Dương Tơ - Phú Quốc, sát biển với tiện ích du lịch, liền kề chợ...cơ hội đầu tư đất nền Phú Quốc sinh lời cao mà an toàn.

Hoang tàn sau cơn sốt: Phú Quốc ngàn mảnh đất hoang - 4

Cò đất thấy người lạ liền lao tới hỏi mua đất.

Những lời quảng cáo “có cánh” trên trang web của Công ty Donaland đã khiến ông N. tin tưởng. Lô đất của ông có diện tích hơn 1000m2 thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi việc công chứng sang tên đã xong, ông N. yêu cầu bà B. dẫn đi xem đất và chỉ lộ giới thì vỡ lẽ là không có đất như trong diện tích công nhận quyền sử dụng đất.

Vị trí đất của ông N. nằm cuối đường, chỉ có một dải nhỏ bám vào bờ đường còn phía sau là suối. Qua đo đạc thực tế, đất của ông N. thiếu đến hơn một nửa diện tích. Ông N. yêu cầu bà B. phải thực hiện bàn giao đủ đất trong giấy tờ mua bán. Sau nhiều cuộc hẹn, cuối cùng bà B. nói, phải chờ công ty Donaland san lấp.

Điều đáng nói là không có đất để san lấp, bởi diện tích bao trùm còn lại là suối, mà suối là tài nguyên quốc gia, không ai cho phép lấp suối. Ông N. cho biết, sở dĩ tin tưởng và mua nền đất vì thấy quảng cáo của dự án Donasea Villas 5 treo hoành tráng phía ngoài và cũng tin một ngày không xa chủ đầu tư sẽ san lấp mặt bằng để xây dựng dự án. Nào ngờ, ông phải ôm trái đắng.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Pháp chế công ty Donaland để làm rõ vấn đề cũng như tính pháp lý của dự án, tuy nhiên ông Trung nói mình không có thẩm quyền trả lời. Chúng tôi tiếp tục đến công ty Donaland có trụ sở tại quận 2 (Tp. Hồ Chí Minh) để làm việc. Tại đây, ngày thứ hai toàn bộ công ty không làm việc, chỉ có một nhân viên kế toán trực và hẹn sẽ sắp xếp lịch làm việc sau.

Theo Ngọc Thiện
Cảnh sát toàn cầu