“Con cưng" Lilama lỗ lớn, Bộ Xây dựng báo cáo ra sao với Thủ tướng?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Lilama được Deloitte Việt Nam kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Lilama âm 86 tỷ đồng, trước đó năm 2018 lỗ tới 182 tỷ đồng.

Vừa qua, báo chí có phản ánh về tiến trình thực hiện cổ phần hoá nhiều tập đoàn, tổng công ty của Bộ Xây dựng được đẩy nhanh nhưng kết quả không đạt kỳ vọng. Hàng loạt doanh nghiệp "con cưng" của Bộ Xây dựng sau cổ phần hoá rơi vào cảnh làm ăn bết bát.

Sau khi rà soát, kiểm tra về các vấn đề báo chí nêu trên, Bộ Xây dựng đã có báo cáo Thủ tướng về kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp, trong đó có tình hình tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).

“Con cưng Lilama lỗ lớn, Bộ Xây dựng báo cáo ra sao với Thủ tướng? - 1

Tổng giá trị tài sản của Lilama tính đến cuối năm 2019 là 8.175 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cuối năm 2018.

Bộ Xây dựng cho biết, Lilama đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 6/4/2016 với số vốn điều lệ gần 800 tỷ đồng, vốn Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu nắm giữ 97,88% vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Lilama được Deloitte Việt Nam kiểm toán, doanh thu năm 2019 của tổng công ty là 7.042 tỷ đồng, giảm 47,5% so với năm 2018 (doanh thu năm 2018 là 13.412 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế năm 2019 âm 86 tỷ đồng, trước đó năm 2018 lỗ tới 182 tỷ đồng.

Tổng giá trị tài sản tính đến cuối năm 2019 là 8.175 tỷ đồng, giảm 37,4% so với cuối năm 2018.

Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2019, Lilama đã thực hiện thoái vốn tại 7 công ty. Trong đó, thoái toàn bộ vốn tại 3 công ty và thoái vốn một phần từ công ty con xuống thành công ty liên kết tại 4 công ty. Do số lượng công ty con giảm, dẫn đến doanh thu và tổng tài sản hợp nhất giảm so với năm 2018.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, thị trường xây lắp, chế tạo trong nước không thuận lợi, cùng với đó, các dự án đầu tư công đình hoãn, giãn tiến độ làm cho thị trường công việc trong nước đối với ngành xây lắp vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của Lilama.

Cụ thể, năm 2018 và 2019 gần như không có các dự án lớn trong nước triển khai (ngoài dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2), vì vậy doanh thu của Lilama đã tụt giảm mạnh.

Doanh thu có được năm 2018, 2019 chủ yếu vẫn đến từ các dự án triển khai trước năm 2017 và đi vào giai đoạn cuối của dự án như dự án nhiệt điện Sông Hậu 1; Dự án nhiệt điện Thái Bình 2; Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng...

Ngoài ra, năm 2019 dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ -Lilama vẫn có lãi (lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 vẫn âm 86 tỷ đồng. Nguyên nhân theo Bộ Xây dựng, là do một số công ty con, công ty liên kết hoạt động thua lỗ, trong đó có Công ty CP Lisemco lỗ lớn với 183 tỷ đồng. Đến đầu năm 2019, Lilama đã hoàn thành việc thoái vốn tại công ty này nên lỗ của doanh nghiệp này không còn ảnh hưởng đến kết quả hợp nhất của Lilama.

Trước thực trạng khó khăn về thị trường công việc xây lắp, chế tạo trong giai đoạn vừa qua đối với Lilama, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Lilama tập trung thực hiện một số giải pháp.

Trong đó có việc tập trung hoàn thành công tác quyết toán, thu hồi công nợ còn tồn đọng, kéo dài tại các dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành. Đồng thời phải đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện Lilama, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tăng cường công tác quản lý, điều hành trực tiếp của công ty mẹ, nhằm nâng cao hiệu quả cho Tổng công ty thông qua việc nâng cao vai trò, năng lực của các đơn vị trực tiếp quản.

Lilama cũng được yêu cầu tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết, các khoản đầu tư tài chính không thực sự đem lại hiệu quả cho hoạt động của Tổng công ty.

Hiện tại, Bộ Xây dựng cho biết đang tập trung triển khai công tác thoái giảm vốn nhà nước về 51% trong năm 2020 tại Lilama theo đúng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020.