Có được dùng căn hộ chung cư để kinh doanh cho thuê theo giờ?

Ninh An

(Dân trí) - Luật Nhà ở 2023 nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, căn hộ chung cư ngày càng phổ biến tại các thành phố. Ngoài mục đích an cư lạc nghiệp, nhiều người có ý định dùng căn hộ chung cư để kinh doanh theo hình thức lưu trú, cho thuê theo giờ, theo ngày tại những khu vực có tiềm năng du lịch. Liệu hình thức kinh doanh này có phải hợp pháp?

Luật Nhà ở 2023 nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Cụ thể, tại điểm c, khoản 8, Điều 3 cho biết cấm người sở hữu chung cư tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Điều này cũng đã được quy định tại Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn cho biết Luật Cư trú 2020 xác định chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật. Người dân cần phải đăng ký thường trú hoặc tạm trú theo quy định.

Còn tại Khoản 6 Điều 2 quy định lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Với cách tiếp cận như vậy, hình thức thuê theo giờ hoặc ngày thuộc dạng lưu trú và không phải để ở.

Luật sư cho biết nếu người sở hữu chung cư nếu cho người khác thuê với mục đích để ở thì không vi phạm quy định pháp luật.

Có được dùng căn hộ chung cư để kinh doanh cho thuê theo giờ? - 1

Một dự án chung cư tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Xử phạt ra sao nếu vi phạm?

Nghị định 16/2022 của Chính phủ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 70 phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Về mức phạt, Điểm c Khoản 3 Điều 4 Nghị định cho biết mức phạt nêu trên là áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm. Đối với cá nhân vi phạm hành vi tương tự thì mức xử phạt bằng một nửa mức phạt tiền của một tổ chức, tương đương 10-20 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nêu trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở.

Ngoài ra, khi sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày mà phát sinh các hành vi vi phạm khác thì còn có thể bị xử phạt thêm.

Ví dụ hành vi sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng thì có thể bị phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 60-80 triệu đồng đối với tổ chức.