"Cò đất" tung tin tạo sốt ảo ở Đà Nẵng
Sau Tết nguyên đán đến nay, thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn đang đóng băng, giao dịch ảm đạm
UBND TP Đà Nẵng mới đây đã ra thông báo bác bỏ thông tin địa phương này sẽ tăng giá đất. Theo UBND TP Đà Nẵng, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.
Tung tin để hút khách
Từ sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tại một số khu đô thị ở Đà Nẵng, nhiều sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đua nhau mở cửa trở lại. Một số nhân viên môi giới, "cò đất" cũng đồng loạt tung thông tin đất nền Đà Nẵng "nóng" trở lại để thu hút khách hàng. Họ một mặt rao bán các lô đất với giá "sụp hầm", đồng thời khẳng định đây là thời điểm vàng để đầu tư.
Nơi được giới cò đất nhắm đến để tạo sóng chủ yếu là các khu đô thị phía Nam Đà Nẵng như Hòa Xuân, Hòa Quý, FPT, Phước Lý, Hòa Liên... Giá đất ở những khu này được "cò" tung giá cao hơn so với thời điểm trước Tết nguyên đán từ 100 đến 200 triệu đồng tùy vào vị trí. Cụ thể, những lô đất khoảng 100 m2 ở Hòa Xuân được "cò" rao bán với giá tầm 2,7 - 3 tỉ đồng/lô. Một số lô đất ở khu đô thị Phước Lý được rao bán khoảng 1,9 - 2,3 tỉ đồng.
Chị Ng.Th.N (nhân viên sale của một công ty BĐS ở Đà Nẵng) khẳng định những thông tin sốt đất do một số người vẽ ra là hoàn toàn không có thật. Bởi từ trước Tết đến nay, thị trường BĐS Đà Nẵng gần như đóng băng hoàn toàn. Chị cùng nhiều đồng nghiệp không bán được lô đất nào trong suốt thời gian từ đợt dịch Covid-19 hồi tháng 7 năm ngoái đến nay.
"Giá đất thì từ sau các đợt Covid-19 đã giảm so với trước khoảng 20%-30%. Gần đây, một số sàn chủ động giảm nhẹ thêm nhưng vẫn không thu hút được người mua" - chị N. cho hay.
Theo chị N., những người có nhu cầu mua đất thực sự hầu hết đều nói giá đất hiện tại vẫn còn cao quá. Bên cạnh đó, năm 2020, thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng nên chưa thể mua đất để kiếm lời như trước được. Còn với các nhà đầu tư, việc bỏ tiền mua đất thời điểm này lại bị cho là mạo hiểm. Chính vì thế mà theo chị N., việc sốt đất trong thời điểm này là không có.
Sẽ hồi phục từ quý II?
Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS - cho rằng, giá BĐS Đà Nẵng cao là nhờ việc tích lũy giá trị thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, phát triển và đang ngày càng được hoàn thiện đồng bộ. Một phần còn do nguồn cung các sản phẩm BĐS tại Đà Nẵng đang khan hiếm.
Cũng theo ông Lập, hiện tại, BĐS Đà Nẵng đang ở vùng đáy của chu kỳ, giá cả đã về ngưỡng giá trị của tài sản. Trong khi đó, thị trường BĐS ở 2 địa phương là Hà Nội và TPHCM gần như đã chạm đỉnh nên không còn sức hút. Chính vì thế, thời gian tới có thể nhà đầu tư sẽ sớm chuyển hướng về Đà Nẵng.
Ông Lập cũng dự đoán là thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ phục hồi lại tính thanh khoản và ổn định từ sau quý II năm nay nhờ lãi suất ngân hàng giảm và vắc-xin Covid-19 đã có.
"Hàng loạt các dự án đầu tư công về hạ tầng đang được chính quyền triển khai rầm rộ để thúc đẩy tăng trưởng cho thành phố sau thời kỳ suy giảm tăng trưởng trong năm 2020 cũng là động lực lớn để tạo sức hút cho thị trường BĐS nơi đây" - ông Lập nhấn mạnh.
Trước thông tin Đà Nẵng sẽ tăng giá đất, UBND TP Đà Nẵng khẳng định đây là thông tin không chính xác. Hiện tại, UBND TP đang rà soát, thẩm tra các vấn đề có liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền. UBND TP cũng nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đà Nẵng đang nỗ lực hết sức để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục đầu tư kinh tế - xã hội của thành phố.
Nói thêm về chủ trương thu hút đầu tư của Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Lập cho rằng giá BĐS là một yếu tố lớn cấu thành vào chi phí của doanh nghiệp nên đương nhiên sẽ tác động đến việc đầu tư và thu hút đầu tư. Với tình hình tại Đà Nẵng hiện nay, TP cần xác định là phải đi vào giai đoạn phát triển mới, đó là phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng công nghệ, sức mạnh từ nguồn nhân lực có trình độ cao và sức hút từ thị trường dân cư đông đúc tại chỗ.
"Các nhà đầu tư sẽ tự khắc tìm kiếm nơi phù hợp để lựa chọn chứ không phải doanh nghiệp nào cũng tìm nơi có giá BĐS rẻ để đầu tư" - ông Lập phân tích.