Đà Nẵng: Giá đất nông nghiệp "lao dốc" chỉ vài chục ngàn đồng/m2
Trong khi giá đất nông nghiệp ở nhiều nơi liên tục "sốt" thì tại Đà Nẵng, giá đất nông nghiệp hiện đang "chìm nghỉm". Chỉ cần vài trăm triệu là có ngay mảnh đất nông nghiệp vuông vắn, có sổ đỏ, thậm chí còn được trả góp theo tháng.
Giá đất nông nghiệp Đà Nẵng "chìm nghỉm"
Sau cuộc sốt đất đi vào lịch sử Đà Nẵng cách đây khoảng 2 năm, thị trường đất tại địa phương này đã ở giai đoạn "tiến thoái lưỡng nan".
Khảo sát thị trường cho thấy, đất nền ở Đà Nẵng tiếp tục giảm giá do tác động của đại dịch Covid-19. Có nhiều khu vực giảm giá sâu như tại các khu đô thị Phước Lý, Hòa Xuân… Tìm hiểu tại một số khu vực thuộc khu đô thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ), giá đất nền tại đây đã giảm rất nhiều so với giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2020 và sau đợt dịch đầu tiên. Tại KĐT sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), KĐT Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), thời điểm giá sốt lên đến 4 tỷ đồng/lô thì nay giảm còn khoảng 3 tỷ đồng/lô.
KĐT FPT City, thời điểm giá cao nhất 3 tỷ đồng/lô đường 7,5m, diện tích 90m2 thì nay còn được rao dao động khoảng 2 tỷ đồng.
Không chỉ đất nền, đất thổ cư rớt giá, mà đất nông nghiệp tại Đà Nẵng cũng đang "chìm nghỉm". Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất nông nghiệp Đà Nẵng chỉ dao động khoảng vài trăm ngàn đồng/m2.
Trên trang muaban, một mảnh đất vườn có diện tích 1.456m2 ở quận Liên Chiểu có giá là 900 triệu đồng, tương đương khoảng 618.000 đồng/m2. Mảnh đất này được quảng cáo là đã sổ đỏ, thậm chí đã có nhà, chuồng trại và một số công trình phụ khác.
Hay trên trang chotot, một mảnh đất nông nghiệp có diện tích 750 m2 thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang được rao với giá 500 triệu đồng, tương đương hơn 666.000 đồng/m2. Mảnh đất được giới thiệu là: "Đất đã có sổ đỏ. Lô đất ngang 22m dài 35m rất đẹp, mặt tiền đường bê-tông 4m, phía sau lô đất có khe nước rất mát mẻ". Chủ mảnh đất này còn cho biết thêm, giá có thể thương lượng thêm và chỉ cần trả trước 100 triệu đồng, sau đó trả góp mỗi tháng 1,83 triệu đồng.
Tương tự như vậy, trên rất nhiều trang rao vặt khác, đất nông nghiệp Đà Nẵng (đã có sổ đỏ) cũng chỉ rao ở mức 500.000 - 700.000 đồng/m2. Với đất nông nghiệp bán sang tay (không có sổ đỏ) giá chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/m2.
Giá đất nông nghiệp Đà Nẵng ra sao, chưa thể tiên liệu được
Trên báo chí, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng chia sẻ, thị trường nhà đất sau dịch Covid-19 may lắm mới giữ được sức "đi ngang" đến đầu năm 2021, nhưng sau đó sẽ ra sao thì chưa thể tiên liệu hết được. Bởi đất Đà Nẵng có quá nhiều tác động.
Những người tham gia môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cũng đều thừa nhận, về bản chất, thị trường nhà đất địa phương đóng vai trò thứ cấp so với hai đầu đất nước. Tập trung trong vài năm trở lại đây, bất động sản Đà Nẵng ghi nhận những vận động thành công của giới đầu tư khi bằng nhiều thủ pháp, đẩy giá giao dịch thị trường lên cao, có khu vực tăng đến gấp 10 lần giai đoạn 2011 - 2013.
Một số khu vực nóng ở Hòa Xuân (Cẩm Lệ), bắc Hòa Liên, Hòa Sơn (Hòa Vang), ven sông Cổ Cò (Ngũ Hành Sơn) đã có sự tăng vọt giá đất, nhất là đất nền vì liên quan các dự án quy hoạch hạ tầng. Nhiều khu đất từ 400 triệu đồng đã có giá 3 tỷ đồng/lô đất nền trong vòng chưa đến 2 năm.
Nhưng điều không được các nhà đầu tư, lực lượng đầu cơ tính tới, là thực lực kinh tế địa phương có đồng hành với xu hướng tăng giá không. Với tâm lý chung "nước lên bèo lên", một lô đất đội giá thì cả cánh đồng thăng hoa, việc rao giá qua các dự án chào mời rất đơn giản. Có điều, thu nhập về đời sống của người dân Đà Nẵng không có thay đổi lớn.
Mức thu hút đầu tư về sản xuất của Đà Nẵng vẫn chưa cao, tỷ giá giao dịch thương mại, các dịch vụ kinh tế địa phương không có đột biến đặc sắc.
Nghịch lý đã phát sinh vì giá nhà đất tăng lên 5 - 10 lần còn thu nhập bản địa chưa đến 3 lần, tạo ra một chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu. Bản thân các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại Đà Nẵng cũng phải thừa nhận, "không đủ sức mua lại các khu đất được định giá giao dịch cao".
Nhiều nhà đầu tư lẻ sau giai đoạn "say lợi nhuận" do giá đất tăng liên tục, vay mượn ngân hàng những khoản vốn lớn, mới giật mình nhận ra cơ hội tất toán cho các hợp đồng chuyển nhượng không nhiều.
Trong khi đó, một chuyên gia bất động sản tại Đà Nẵng cũng cho biết thêm một lý do vì sao đất lại giảm mạnh từ đầu năm 2020, trong đó có giá đất nông nghiệp Đà Nẵng đó là việc một chuyên viên văn phòng đăng ký đất đai tại quận Sơn Trà bị khởi tố vì làm thất lạc sổ đỏ của dân nên từ đó việc ngân hàng làm chặt chẽ hơn trong việc xác nhận đối tượng cho vay. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua bán đất đai tại Đà Nẵng.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm: Với tình hình thị trường đất hiện tại ở Đà Nẵng, khả năng cao việc "đóng băng" sẽ còn kéo dài ít nhất đến khi Covid-19 được ổn định. Bên cạnh đó, thị trường cũng đã trải qua những lần lướt sóng, đẩy giá nhiều lần rồi nên chắc chắn người mua sẽ có kinh nghiệm và thận trọng hơn trong việc đầu tư đất trong tương lai.