"Cò đất" đua nhau đẩy giá đất theo thông tin sân bay thứ 2 ở Hà Nội
(Dân trí) - Thông tin đề án định hướng quy hoạch xây dựng sân bay thứ 2 ở phía Nam Hà Nội đã nhanh chóng được nhiều "cò đất" lợi dụng để đẩy giá nhà đất khu vực này.
Đua nhau đẩy giá
Theo khảo sát của Dân trí, dù việc xây dựng sân bay thứ 2 mới chỉ là định hướng quy hoạch nhưng những ngày qua, nhiều thửa đất mặt tiền dọc theo Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Thường Tín) đang thu hút hàng chục lượt khách đổ về, có nơi giá bất động sản đã tăng theo cấp số nhân chỉ sau một thời gian ngắn.
Anh Hùng - một môi giới nhà đất khu vực huyện Thường Tín (Hà Nội), thừa nhận: "Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, anh em chuyên mua bán đất động sản chúng tôi đều cho rằng, giá đất dọc theo hướng Đông Nam Hà Nội là huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì... sẽ hưởng lợi tăng giá theo định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ 2 của Hà Nội".
Cũng theo anh Hùng, từ những luồng tin như xây dựng sân bay thứ 2, dự án quy hoạch đường vành đai 4, giá đất ở Thường Tín đang dao động 20 - 35 triệu đồng/m2, nay đã tăng thêm 5 - 10 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Thời gian tới chắc chắn giá đất khu vực này sẽ có xu hướng tăng đồng loạt.
Rầm rộ đăng tin rao bán mảnh đất ở Đại lộ Ninh Sở, huyện Thường Tín để "ăn theo" đề án xây dựng sân bay thứ 2, nhưng khi được hỏi, anh Nguyễn Biển (người rao bán mảnh đất) lại tư vấn một cách chung chung.
Đáng nói, dù chưa biết địa điểm cụ thể nhưng anh Biển liên tục đưa ra dự đoán, tương lai giá đất tại huyện Thường Tín sẽ còn tăng nhiều lần. Đồng thời định hướng, nếu muốn "lướt sóng" đầu tư thì nên chọn những mảnh đất đẹp ở mặt đường, thuận tiện theo trục giao thông thì sẽ không lo bị thiệt.
Trong khi nhiều môi giới nhà đất đang đồng loạt đẩy giá, một số người dân nơi đây lại cho rằng, việc phát triển sân bay với khoảng cách quá gần thì đời sống sinh hoạt của người dân cũng bị hạn chế nhiều, nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn cao. Một số ý kiến khác còn lo ngại, tình trạng "sốt đất" theo đề án xây dựng sân bay sẽ tiếp tục tái diễn ở huyện Thường Tín.
Ngăn chặn "sốt đất"
Liên quan tới việc quy hoạch sân bay thứ 2, Hà Nội từng đề xuất quy hoạch tại huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại Ứng Hòa có nhiều bất cập, vấn đề nổi cộm nhất chính là không có đường sắt đô thị kết nối nội đô với sân bay.
Thời điểm đó, vào cuối năm 2020, một vùng quê yên bình bỗng chốc xôn xao bởi thông tin Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Ứng Hòa, Hà Nội. Giới đầu cơ đã bắt đầu tìm về các thôn làng ở các xã thuộc huyện Ứng Hòa nhờ các môi giới bất động sản tại đây mua gom đất ruộng.
Anh Nguyễn Văn Hưng - một môi giới nhà đất kinh nghiệm tại Ứng Hòa cho rằng, thời điểm đó, giá đất tăng lên từng ngày. Một lô đất đấu giá phân lô có diện tích hơn 70 m2 trong ngõ gần trung tâm thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, được chủ nhà phát giá 30 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền tỷ để đầu tư đón sóng.
Tuy nhiên, khi việc quy hoạch sân bay thứ 2 tại Ứng Hòa không thể thực hiện, theo anh Hưng, họ phải tức tốc bán tháo để giữ lại tiền. Không ít nhà đầu tư mắc kẹt vốn tại đây vì đất khó bán, giá không tăng.
Lãnh đạo các xã Đại Hùng, Đại Cường - nơi đồn thổi xây bay thứ 2 được xây dựng cũng khẳng định, tình hình bất động sản trên địa bàn vẫn trầm lắng, không có gì đột biến. Còn giao dịch đất nông nghiệp cũng được ngăn chặn, không cho người nơi khác tới mua. Bởi lẽ, đất nông nghiệp mua là để canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, còn mua xong để đó thì không được.
Tương tự, từ hàng loạt thông tin về việc phát triển huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) theo hướng đô thị sân bay, giá đất nền trên địa bàn huyện này đã được giới đầu tư đẩy lên cao ngất ngưởng. Chỉ trong năm 2021 đến năm 2022, giá đất Cam Lâm đã tăng khoảng 10 - 20%/năm. Tuy vậy, từ khi có tập đoàn lớn xin đầu tư 3 dự án khủng gần 17.000 ha, giá đất khu vực huyện Cam Lâm nhanh chóng tăng gấp 3 - 5 lần.
Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng "sốt đất", tuy nhiên việc ngăn chặn khó có thể khẳng định mang lại hiệu quả triệt để. Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ gặp rủi ro khi đầu tư trong cơn sóng của "đất".
Nhiều chuyên gia bất động sản cảnh báo, chuyện các dự án cầu đường, sân bay, dự án mở đến đâu thì bất động sản sẽ "sốt" tới đó đang là thực trạng diễn ra tại Việt Nam trong nhiều năm nay. Không ít nhà đầu tư đã "ăn theo" sóng hạ tầng để kiếm lời. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hiện nay, có nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao như nhiều người mong đợi. Vì vậy, người dân nên tìm hiểu thật kĩ thông tin quy hoạch, pháp lý cũng như tính kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, khả năng thanh khoản trước khi "xuống tiền".