Có bịt hết được các “khe hở” về né thuế trong mua bán bất động sản?
Như đã thông tin, một giao dịch mua bán căn hộ ở TPHCM vừa bị cơ quan thuế “sờ gáy” và yêu cầu cơ quan công an điều tra về việc nghi có dấu hiệu trốn thuế. Việc cơ quan thuế bắt đầu "mạnh tay" ngăn chặn tình trạng khai giá thấp để lách thuế trong giao dịch mua bán bất động sản, liệu có bịt được hết các "khe hở" hiện nay không?.
Ông Phạm Hoàng Khanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế quận 10 cho biết, thời gian qua, khi tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng bất động sản (BĐS), cơ quan thuế nhận thấy người chuyển nhượng thường chỉ kê khai giá chuyển nhượng hợp đồng mua bán thấp hơn nhiều so với giá đã thanh toán theo tiến độ cho chủ đầu tư.
Do đó, căn cứ chỉ đạo tại công văn số 3122/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế mới đây về việc tăng cường công tác quản lý thuế, cơ quan thuế đã có văn bản từ cuối năm 2019 đề nghị chủ đầu tư các dự án trên địa bàn khi xác nhận các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng thì thông báo cho các bên việc phải kê khai giá chuyển nhượng phù hợp với giá thực tế.
Trong khi đó, luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: “Khi nghi ngờ và cho rằng có dấu hiệu về tội trốn thuế, cơ quan quản lý thuế hoàn toàn có cơ sở để chuyển vụ việc và phối hợp với cơ quan công an để xác minh, điều tra xem có đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 hay không để có hình thức xử lý phù hợp”.
Theo luật sư Trần Minh Cường, về chế tài hiện nay, với hành vi khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp, nếu bị phát hiện sẽ được xác định là hành vi vi phạm hành chính. Theo Nghị định 129/2013 và Thông tư 166/2013 của Bộ Tài chính, hành vi trốn thuế, gian lận thuế này bị phạt 1 - 3 lần số tiền trốn thuế, gian lận thuế đối với tổ chức, còn đối với cá nhân mức phạt bằng 1/2 của tổ chức.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính và truy thu thuế trong khai thấp giá mua bán rất hy hữu, kể cả trong trường hợp có tranh chấp trong giao dịch mua bán. Khi các bên ra tòa thừa nhận chuyện giá chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá bán thực tế thì hội đồng xét xử thường cũng chỉ ghi nhận mà không chuyển thông tin vi phạm đến các cơ quan thuế để thực hiện xử phạt hành chính hoặc truy thu thuế vì không có cơ quan giám sát.
Bên cạnh đó, đa số hợp đồng công chứng sẽ có giá trị, và hợp đồng thật (thanh toán) sẽ bị vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bên mua sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi ký hợp đồng 2 giá này. Cụ thể là bên bán sẽ có lợi hơn trong việc này do phần thuế thu nhập cá nhân của bên bán sẽ được giảm rất nhiều, ngược lại bên mua hầu như không có lợi ích nhưng có thể bị rủi ro tuyên hợp đồng thật mua bán (do không được công chứng) vô hiệu.
Giá tính thuế như thế nào mới hợp lý?
Về câu chuyện áp giá tính thuế, đang có một số ý kiến cho rằng, thực tế cơ quan thuế chỉ có thể yêu cầu người dân nộp thuế chuyển nhượng BĐS theo giá thật khi có đủ bằng chứng xác định được giá thị trường của BĐS đó hoặc xác định có hành vi né thuế.
Theo anh Nguyễn Ninh, Trưởng phòng một đại lý thuế ở quận Tân Phú, để làm được điều này là vô cùng khó khăn bởi giá BĐS tăng giảm thất thường, thậm chí có thời điểm nhiều giao dịch trên thị trường là giá ảo. Ví dụ trong vòng 1 năm, 1 căn nhà và đất có đến 4 lần chuyển nhượng. Trong đó, lần thứ nhất đến lần 3 đều 5 tỉ đồng, song đến lần 4 xuống còn 4 tỉ đồng do giá đất biến động giảm. Như vậy, nếu cơ quan thuế lấy mức giá 5 tỉ đồng ở 3 lần để áp giá tính thuế chuyển nhượng là chưa phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, đối với nhà phố riêng lẻ, nếu cơ quan thuế căn cứ vào lịch sử giao dịch để điều chỉnh giá tính thuế thì không ổn. Bởi với các giao dịch trước, vì lý do nào đó, bên mua và bên bán nhà có thể thỏa thuận kê khai giá trị giao dịch cao hơn hoặc thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Nếu cơ quan thuế căn cứ vào các mức giá này để xem xét điều chỉnh tính thuế chuyển nhượng sẽ không thuyết phục.
Theo Gia Miêu
Lao động