Chung cư sốt giá, người bán tiếc nuối vì đánh rơi hàng trăm triệu đồng

Hà Phong

(Dân trí) - Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng nhanh sau Tết Nguyên đán khiến người đã mua được thì mừng vui, còn người đã bán thì tiếc nuối vì chỉ trong thời gian ngắn đã "đánh rơi" hàng trăm triệu đồng.

Người mua tính lãi, người bán kêu lỗ

Dọn về ở ổn định tại một căn hộ chung cư trên đường Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội) từ tháng 12 năm ngoái, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường không dấu được vui mừng khi kể về việc mua nhà. Anh Cường kể chỉ sau khoảng 3 tháng, giá rao bán căn hộ tương tự trong dự án chung cư anh đang ở đã tăng 400 triệu đồng. 

"Căn hộ 70m2 tại tầng 15 của tôi được mua với giá 2,8 tỷ đồng vào tháng 11 năm ngoái. Hiện tại, căn hộ tương tự tại tòa nhà chung cư tôi ở được rao bán với giá 3,1-3,2 tỷ đồng", anh Cường chia sẻ và nói thêm: "Nếu tôi không mua thời điểm đó, thì giờ chắc không có nhà ở".

Tương tự anh Cường, cuối năm 2022, anh Trần Hữu Dương có mua một căn hộ chung cư 73m2 tại một dự án ở xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) với giá 1,9 tỷ đồng, tương đương khoảng 26 triệu đồng/m2. Thời điểm đó, nhiều người khuyên anh không nên mua vì giá căn hộ đang quá cao, nhưng anh vẫn quyết định "xuống tiền".

"Sau khi thu xếp được tài chính, tôi đã quyết định mua căn hộ trên. Về sống ổn định được hơn một năm, tôi xem giá thị trường thì thấy căn hộ diện tích tương tự tại chung cư mình đang ở có giá 2,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 38 triệu đồng/m2", anh Dương chia sẻ và cho rằng mình đã may mắn khi quyết định mua căn hộ lúc đó.

Chung cư sốt giá, người bán tiếc nuối vì đánh rơi hàng trăm triệu đồng - 1

Khu chung cư trên đường Ngọc Hồi, thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Ở diễn biến ngược lại, nhiều người đã bán căn hộ gần đây không khỏi tiếc nuối. Bởi, chỉ trong một thời gian ngắn, căn hộ họ bán đã "qua tay" chủ mới, được bán ra với giá chênh tới hàng trăm triệu đồng.

Dù có kinh nghiệm đầu tư bất động sản nhiều năm, nhưng chị Nguyễn Thị Hằng vẫn không thể ngờ, căn hộ mình mới bán trước đó 4 tháng giờ đã tăng lên hơn 700 triệu đồng. Chị Hằng kể, giữa năm ngoái, chị đã lên kế hoạch đầu tư và cơ cấu lại tài sản. Căn hộ chung cư của chị ở quận Thanh Xuân được đưa vào diện phải bán.

Sau hơn một tháng đăng tin rao bán, đến khoảng tháng 9 năm ngoái, căn hộ của chị có người hỏi mua. Quá trình thương lượng hoàn tất, chị phải giảm kỳ vọng giá xuống, chấp nhận bán căn hộ với giá 2,1 tỷ đồng.

"Cần nguồn tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác, tôi quyết định bán căn hộ trên với giá 2,1 tỷ đồng. Nhưng hiện tại, giá căn hộ như của tôi đang được rao bán 2,8-2,9 tỷ đồng", chị Hằng kể.

Giống như chị Hằng, nhiều nhà đầu tư khác cũng không thể ngờ giá căn hộ chung cư lại tăng nhanh như thời gian qua. Tuy nhiên, họ đều cho rằng, giá căn hộ tăng như hiện nay là diễn biến nóng chỉ diễn ra ở số ít căn hộ tại một số chung cư đã qua sử dụng.

Khan hiếm nguồn cung

Theo giới chuyên gia bất động sản, nguyên nhân tăng giá căn hộ thời gian gần đây là do nguồn cung phân khúc này tiếp tục khan hiếm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay và cả gửi tiết kiệm đang thấp khiến thị trường căn hộ chung cư có hiện tượng "sốt nóng" trong một vài tháng gần đây,

Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Quốc Anh, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang là khoảng 51%, đồng nghĩa mỗi năm Hà Nội cần khoảng 70.000 căn hộ để giải bài toán nhà ở cho người lao động. Nhưng thực tế, nguồn cung đổ ra thị trường quá khiêm tốn so với con số nguồn cầu ước lượng khiến giá nhà chung cư liên tục thiết lập mặt bằng mới.

Cũng theo ông, trong năm nay, giá căn hộ chung cư sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung căn hộ vẫn khan hiếm trên thị trường. Nguồn cung này tỷ lệ nghịch với nguồn cầu đang đi lên cùng quá trình đô thị hóa của các thành phố lớn như Hà Nội.

Chung cư sốt giá, người bán tiếc nuối vì đánh rơi hàng trăm triệu đồng - 2

Căn hộ đã qua sử dụng ở Hà Nội cũng ghi nhận mức giá bán tăng thời gian gần đây (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay có đến hàng trăm dự án nhà ở tại Hà Nội và TPHCM vẫn "nằm yên", chưa xử lý được vấn đề pháp lý, xây dựng… dẫn đến nguồn cung ra thị trường không có.

Ông Đính nhận định, từ việc không có nguồn cung mới, hiện nay, trên thị trường chủ yếu là giao dịch thứ cấp. Thị trường thứ cấp tận dụng yếu tố nhu cầu cao, không có hàng để đẩy giá lên.