"Chúa chổm" bất động sản Country Garden: Hình ảnh chua chát từ dự án
(Dân trí) - Tại tổ hợp bất động sản chưa hoàn thành của Country Garden (Trung Quốc), chỉ lác đác công nhân còn trụ lại. Hoạt động xây dựng gần như đứng im với những chiếc cần cẩu vô hồn, không dịch chuyển.
Bài toán chưa có lời giải
"Chúng tôi không được nhận lương từ Tết Nguyên đán rồi. Tất cả đều rất lo lắng", một công nhân họ Wang, 50 tuổi, trả lời phỏng vấn của Reuters. Ông đã dừng làm việc tại công trường dự án Yunhe Shangyuan từ tuần trước.
Khu phức hợp nói trên là một trong hai dự án được phóng viên của Reuters ghé thăm tại thành phố cảng Thiên Tân với dân số 14 triệu người, cách thành phố Bắc Kinh 135 km về phía Đông Nam.
Cả hai dự án đều thuộc về chủ đầu tư Country Garden, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng. Hiện tại, công ty này đang vướng vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản được dự báo có những tác động lan tỏa tới cả nền kinh tế.
"Tôi cảm thấy rất áp lực", một công nhân họ Wei làm việc tại dự án Yunhe Shangyuan, chia sẻ. Từ đầu năm tới nay, ông mới chỉ nhận được khoảng 4.500 nhân dân tệ (khoảng 14,8 triệu đồng) tiền trợ cấp sinh hoạt một lần.
"Tôi có vợ, con nhỏ và bố mẹ già. Đứa bé sắp bước vào năm học mới rồi. Những người công nhân như chúng tôi không thể nuôi sống gia đình bằng công việc này nữa", ông buồn bã nói.
Từng được coi là một trong những công ty bất động sản có nền tảng tài chính vững mạnh, Country Garden giờ đây lại là minh chứng rõ nét nhất cho những khó khăn mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang gặp phải trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Hệ quả này là của quá trình đảo chiều của một trong những trụ cột quan trọng, đóng góp tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số hai thế giới.
Một đại diện dự án Yunhe Shangyuan cho biết, các công nhân "chính gốc" của Country Garden vẫn được trả lương bình thường. Dự án này đang trong giai đoạn tạm dừng thi công theo yêu cầu của chính quyền địa phương nhằm khắc phục các vấn đề quản trị.
Hiện công tác trên đã hoàn tất và công trình sẽ được thi công trở lại vào tuần tới. Tiến độ của dự án không bị ảnh hưởng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2024. Thế nhưng, nhiều lao động tại đây lại được tuyển dụng bởi nhà thầu phụ. Họ đang ngóng chờ vào lời hứa "được trả lương vào cuối tháng này".
Cả triệu căn hộ chưa được hoàn thiện
Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, các dự án của Country Garden trên toàn quốc có khoảng 1 triệu căn hộ đang trong quá trình hoàn thiện.
Trong tài liệu nộp lên cơ quan quản lý giao dịch chứng khoán vào ngày 10/8, Country Garden quyết tâm "bằng mọi giá đảm bảo giao nhà đúng thời hạn", qua đó tiếp tục duy trì hoạt động tại tất cả các dự án trên cả nước", nhằm hiện thực hóa cam kết với người mua nhà.
Công ty này nổi tiếng với phương thức bán hàng số lượng lớn, chấp nhận biên lợi nhuận thấp trong khi vẫn đem lại cho khách hàng trải nghiệm sống "năm sao" tại các đô thị nhỏ. Thế nhưng, Country Garden vẫn không thể thoát khỏi vòng xoáy khó khăn khi tâm lý người mua nhà tại nền kinh tế số hai thế giới trở nên thận trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt sau giai đoạn phong tỏa vì đại dịch.
Thiên Tân hiện có nhiều dự án của Country Garden, phần lớn trong số đó đã hoàn thành và được bàn giao tới tay khách hàng, theo Gao Fei, Giám đốc tư vấn đầu tư tại công ty bất động sản Centaline Property Agency.
Gao cho biết các dự án xây dựng bị đình trệ là điều "tương đối hiếm" tại thành phố này nhưng thừa nhận "trên thực tế, quá trình triển khai nhiều dự án đang chậm lại", ông chia sẻ. "Tại Trung Quốc, khi doanh số bán hàng không cao, các đơn vị phát triển cũng không quá mặn mà trong công tác xây dựng", ông trả lời.
Niềm tin đối với thị trường bất động sản liên tục sụt giảm, và đỉnh điểm là việc nhiều người mua nhà từ chối thanh toán các khoản nợ thế chấp khi các đơn vị phát triển dự án không thể hoàn thành công trình đúng thời hạn vì khó khăn thanh khoản, và một phần do đại dịch Covid-19.
Thị trường có dấu hiệu khởi sắc vào quý I năm nay sau khi Trung Quốc gỡ bỏ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Nhưng doanh số bán nhà cũng liên tục "đi lùi" kể từ đó và rơi vào tình cảnh tương đối ảm đạm ở thời điểm hiện tại, Gao cho biết.
"Kỳ vọng về thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, do đó, quyết định mua nhà cũng như phân khúc sản phẩm mà họ có thể đáp ứng cũng thay đổi theo".
Góp phần làm căng thẳng hơn tình hình, Evergrande, một trong những "ông lớn" bất động sản tại quốc gia tỷ dân này, nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ hồi tuần trước.
Những tin xấu đến dồn dập, khiến không ít người phải đặt ra câu hỏi: bài toán khủng hoảng thị trường bất động sản tại Trung Quốc đến khi nào mới có lời giải?