Chiếc sandwich kiểu Nhật có tuổi đời hàng thế kỷ
(Dân trí) - Onigiri (cơm nắm), còn được gọi là omusubu, là phiên bản sandwich kiểu Nhật: cơ động, tiện lợi, rẻ và no bụng.
Onigiri đã xuất hiện ở Nhật Bản trong nhiều thế kỷ, khi mà các du khách luôn đem theo món ăn này theo những chuyến hành trình dài trên khắp đất nước. Ngày nay, onigiri là thực phẩm thiết yếu trong những chuyến đi dã ngoại, đi cùng trẻ em đến trường, đặc biệt phổ biến trong bữa ăn trưa của người lao động hoặc bất cứ ai muốn có một bữa ăn tiện lợi mà vẫn no bụng.
Những tác phẩm nghệ thuật bằng cơm
Cái tên "onigiri" xuất phát từ động từ "nigiru", có nghĩa là "dùng tay ấn/nắn", chỉ cách ép cơm bằng tay để tạo thành một chiếc bánh có hình dạng như mong muốn, thông thường là hình tròn hoặc hình tam giác.
Mặc dù công thức chế biến onigiri rất đơn giản: chỉ là gạo nấu trong nước, sau đó nhồi cá hồi đã nhuyễn hoặc mận khô vào trong cơm và nặn thành hình, nhưng việc chuẩn bị lại khá phức tạp. Đôi khi, chúng đòi hỏi người làm bếp phải thực hành luyện tập mới có thể tạo ra một nắm cơm hoàn hảo, không bị vỡ vụn khi cắn.
Đối với nhiều người Nhật, onigiri không chỉ là một món ăn vặt bình thường, mà còn gợi lên những kỷ niệm về tuổi thơ, tình mẫu tử... Đây là sản phẩm thủ công mà mỗi bà mẹ sẽ có cách riêng để tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh và thêm các nguyên liệu yêu thích khác nhau. Một số onigiri còn được coi như tác phẩm nghệ thuật với tạo hình trái tim, ngôi sao… được trang trí bằng nori (rong biển khổ) đầy tinh tế.
Ăn onigiri ở đâu?
Vì onigiri là một món ăn bình dân, do đó konbini đầu tiên (7-Eleven, mở cửa vào năm 1974 ở Tokyo) đã không dám bày bán. Mãi đến năm 1978, onigiri mới xuất hiện trên kệ của một số 7-Eleven. Tới năm 1983, với việc phát minh ra món onigiri cá ngừ - mayonnaise, onigiri mới chính thức chiếm được thiện cảm của khách hàng.
Lạ lùng là những nắm cơm này hiếm khi được ăn ở nhà. Thay vào đó, người ta có thể tìm thấy trên bất cứ thực đơn nào của izakaya (quán rượu), thường có tên là yaki onigiri - loại onigiri lớn, phủ miso và được nướng lên.
Một số cửa hàng chuyên làm các loại onigiri. Ví dụ như Onigiri Asakusa Yadoroku - nhà hàng cơm nắm lâu đời nhất ở Tokyo. Nhà hàng thành lập từ năm 1954, phục vụ vào các buổi trưa và tối. Ở đây, bạn có thể ngồi ngay tại quầy và xem nhân viên trực tiếp làm cơm nắm, giống như một số nhà hàng sushi khác.
Ngoài ra, bạn có thể mua onigiri tại các quầy đồ tươi sống trong siêu thị và trong konbini. Cơm nắm là sản phẩm rất phổ biến ở các cửa hàng tiện lợi. Thậm chí ước tính số lượng bán ra của onigiri từng lên tới hàng triệu chiếc trong ngày.
Với giá thành rất rẻ (từ 100 yên, khoảng 60 xu euro), lại thêm thành phần bổ dưỡng, cùng nguyên liệu đa dạng, onigiri thực sự đã trở thành một sản phẩm thiết yếu tại Nhật Bản.