Chậm đăng ký biến động đất đai khi sang tên sổ đỏ bị xử phạt ra sao?
(Dân trí) - Nghị định 123/2024 nêu rõ phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai quy định tại Điều 133 Luật Đất đai.
Đăng ký biến động đất đai là một trong những thủ tục không thể thiếu khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn cho thuê, chuyển nhượng dự án có sử dụng đất.
Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Thủ tục này thường được người dân gọi đơn giản là sang tên sổ đỏ. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp người sử dụng đất chậm thực hiện theo quy định. Khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024 quy định mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất.
Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai. Những trường hợp này bao gồm:
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;…
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;…
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên. Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.
- Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai;…
- Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề.
- Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất; bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, người sử dụng đất còn bị buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Tuy nhiên, mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm là do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt mức tiền gấp 2 lần mức phạt với cá nhân theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024.
Người sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký biến động đất đai và nộp thuế thu nhập cá nhân xong thì mới được văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trả lại giấy chứng nhận.
Khoản 5 Điều 5 Nghị định 123/2024 quy định 3 trường hợp đối tượng xử phạt vi phạm bao gồm.
- Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất;
- Trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền sử dụng đất;
- Trường hợp cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện, không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người đã cho thuê, cho thuê lại, thế chấp.