Cải tạo nhà tập thể chờ sập: Dậm chân tại chỗ vì "tỉ lệ đồng thuận tuyệt đối"
Dù đã có đa số hộ dân đồng thuận, nhưng việc cải tạo lại khu nhà tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) vẫn "dậm chân tại chỗ" vì một số ít hộ dân chưa đồng thuận.
Đa số hộ dân đồng ý cải tạo
Như thông tin đã đưa, hàng trăm người dân đang sống thẩm thỏm tại khu nhà tập thể 3 tầng, đường Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) xây dựng từ những năm 1970 đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Đình Tuyên, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi cho biết, Trung tâm kiểm định chất lượng công trình của Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm định sơ bộ hiện trạng công trình các dãy nhà tại đây, kết quả cho thấy nguy hiểm ở mức độ 3 nghiêm trọng, "tồn tại khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu"; cần có biện pháp chống đỡ, khoanh vùng nguy hiểm, theo dõi thường xuyên…
"Trước đây chính quyền địa phương cũng hỗ trợ nâng cấp một số hạng mục như mặt đường trong khu chung cư, tường rào xung quanh, cống rãnh, cùng các hạng mục khác nên đã hạn chế tình trạng ngập úng. Hiện tại, UBND phường đã liên tục phải kiểm tra về an toàn của công trình, đặc biệt, những ngày mưa gió, lực lượng chức năng cũng phải giám sát, cảnh báo rủi ro an toàn cho người dân", ông Tuyên nói.
Cũng theo ông Tuyên, từ năm 2016 đến nay, đã nhiều lần cư dân đối thoại với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể 3 tầng, nhưng vẫn chưa thống nhất được hết 100% các chủ sở hữu. Lý do của các hộ dân chưa đồng thuận vẫn là vướng cơ chế đền bù, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Chủ tịch UBND P.Nguyễn Trãi cho biết, tỷ lệ đền bù được nhà đầu tư đưa là cơ bản là 2.2, nghĩa là căn hộ rộng 50m2 sẽ được đền bù 110m2 kèm theo mức hỗ trợ mỗi hộ tầng 1 là 450 triệu đồng, tầng 2 là 150 triệu đồng, tầng 3 là 100 triệu đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà 6 triệu đồng/hộ/tháng… Với mức đền bù như vậy, đa phần các chủ sở hữu đều đồng ý cải tạo lại, chỉ có một số hộ ở tầng 1 chưa đồng thuận, còn tiếp tục phải đối thoại.
Đã có nhiều cuộc họp lấy ý kiến người dân về việc cải tạo khu nhà tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong.
Cũng theo ông Tuyên, song song với việc thỏa thuận đền bù với người dân khu nhà tập thể, UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng đã giao Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội kiểm định chi tiết, làm căn cứ cải tạo lại khu nhà này để đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng chưa biết khi nào bắt đầu được.
Ông Trần Văn Mật, Tổ trưởng tổ dân phố 13 cho biết, khu nhà tập thể cũ trên đường Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) là nơi sinh hoạt của gần 200 hộ dân, khu tập thể gồm 4 dãy nhà A, B, C,D. Việc cải tạo khu chung cư này đã được nghiên cứu và lấy ý kiến từ năm 2016, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được.
Theo ông Mật, khu nhà tập thể đã trải qua hơn 4 thập kỷ, nên kết cấu hạ tầng đã ọp ẹp, mục dần theo thời gian, khu tập thể xuống cấp khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, luôn sống trong thấp thỏm vì lo sợ khu nhà có thể sập bất cứ lúc nào nhất là những lúc thời tiết mưa bão ập đến.
Dậm chân tại chỗ vì "tỉ lệ đồng thuận tuyệt đối"
Ông Phạm Ngọc Tâm – người dân sống tại tầng 3 dãy A cho biết, đa số người dân đã đồng ý để cải tạo lại khu nhà tập thể 3 tầng này nhưng một số ít người chưa đồng tình với phương án đền bù của chủ đầu tư dẫn tới việc cải tạo khu nhà tập thể này dậm chân tại chỗ suốt thời gian qua. "Đa số người dân đồng ý cải tạo nhưng cũng không được vì pháp luật quy định phải có sự đồng thuận 100% người dân. Điều này đúng là rất khó!", ông Tâm lắc đầu.
Sống ở khu tập thể này từ những ngày đầu, bà Vũ Thị Kim Nhị chia sẻ, khu tập thể đã xuống cấp nhiều năm, tiềm ẩn những rủi ro về an toàn cho chính các hộ dân đang sinh sống. Nhiều hộ dân chờ mãi mà khu nhà tập thể vẫn chưa được cải tạo đành phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để sửa chữa, nhưng đây cũng chỉ là việc làm tạm thời.
Bà Nhị mong muốn khu nhà tập thể sớm được cải tạo để ổn định cuộc sống.
"Người dân chúng tôi mong muốn cơ quan Nhà nước có chỉ đạo, chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích của người dân và chủ đầu tư trong việc cải tạo khu nhà tập thể này. Đa số người dân mong khu nhà tập thể được cải tạo để có cuộc sống ổn định, an toàn hơn", bà Nhị nói.
Liên quan tới vấn đề cải tạo khu nhà tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong này, ông Lại Tuấn Ngọc - Trưởng phòng Quản lý Bất động sản Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Công ty Xuân Mai) khẳng định, đơn vị đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân về phương án cải tạo. Đa số các hộ dân đã đồng ý với phương án cải tạo và cơ chế đền bù, hỗ trợ của phía công ty.
Theo ông Tuấn, Công ty Xuân Mai được UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư thực hiện lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án cải tạo, xây dựng lại khu nhà tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong năm 2016. Đồng thời, UBND TP cũng cho phép Công ty Xuân Mai triển khai song song các công việc: lập quy hoạch chi tiết 1/500, thỏa thuận với người dân, chủ động xây dựng phương án tạm cư…
Năm 2018, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S4 tại khu đất lập dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong. Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đã chấp thuận tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc công trình.
Việc cải tạo khu nhà tập thể chờ sập đang dậm chân tại chỗ vì "tỉ lệ đồng thuận tuyệt đối".
Về công tác thỏa thuận với người dân, ông Tuấn cũng cho biết, Xuân Mai cùng với UBND quận Hà Đông, UBND phường Nguyễn Trãi đã tổ chức 03 hội nghị lấy ý kiến và tổng hợp nguyện vọng của các hộ dân khu tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án.
"Gần 200 hộ thuộc 4 dãy nhà đã thống nhất phương án cải tạo xây mới, còn khoảng 10 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù. Bàn lên họp xuống nhiều lần nhưng vẫn rơi vào bế tắc", ông Ngọc cho biết.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc cải tạo chung cư phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và khu tập thể 3 tầng được tổ chức kiểm định chất lượng công trình.
Theo quy định tại Nghị định 101 trên thì Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì tổ chức kiểm định chất lượng công trình các nhà chung cư cũ. Công ty đã có văn bản kính đề nghị Sở Xây dựng tổ chức kiểm định chất lượng công trình, mọi chi phí liên quan Công ty Xuân Mai cam kết tự bỏ kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, theo ông Ngọc, công ty chưa nhận được kết quả kiểm định chất lượng công trình 3 tầng trên.