Các ông trùm bất động sản Trung Quốc bỏ hàng tỷ USD "tiền túi" cứu công ty

Nhật Linh

(Dân trí) - Các ông chủ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải bỏ ra ít nhất 3,8 tỷ USD "tiền túi" để cứu công ty khỏi vỡ nợ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thanh khoản đang nhấn chìm ngành này.

Các ông trùm bất động sản Trung Quốc bỏ hàng tỷ USD tiền túi cứu công ty - 1

Nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không còn cách nào khác là trông chờ vào những người sáng lập (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài nguồn tiền trả nợ từ việc bán các tài sản xa xỉ cho đến cổ phần tại các công ty niêm yết đang được săn đón, tài sản của các ông trùm bất động sản Trung Quốc cũng đang trở thành nguồn tiền chính để các nhà đầu tư xem xét khả năng liệu các nhà phát triển bất động sản này có trả nợ được hay không.

Với việc doanh số bán nhà và giá nhà đang giảm mạnh, các ngân hàng từ chối cho vay, lợi suất trái phiếu nước ngoài tăng vọt, nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không còn cách nào khác là trông chờ vào những người sáng lập. Đây được coi như giải pháp cuối cùng của họ.

Ông Zhiwu Chen - Giám đốc Viện Toàn cầu châu Á tại Đại học Hồng Kông - cho biết, ở Trung Quốc, các cơ quan quản lý có thể gây áp lực buộc các cổ đông lớn hoặc cổ đông kiểm soát phải coi tài sản riêng và tài sản của công ty là một. "Điều đó một phần là bởi các cổ đông kiểm soát, đặc biệt là cổ đông sáng lập, thường coi tài sản của công ty như là tài sản của cá nhân họ", Chen nói.

Trái phiếu đồng USD có lãi suất 8,25% đến hạn vào năm tới của China Evergrande đã tăng trở lại lên khoảng 30 cent từ mức thấp kỷ lục 22,7 cents tháng trước sau khi Chủ tịch Evergrande - Hứa Gia Ấn phải bán tài sản cá nhân và cầm cố cổ phiếu để dồn tiền cho công ty. Không rõ số tiền trên đã được sử dụng ra sao nhưng gã khổng lồ bất động sản này đã 3 lần tránh được vỡ nợ khi thanh toán các khoản lãi suất trái phiếu quá hạn.

Tương tự, các trái phiếu của Sunac China Holding, Guangzhou R&F Properties, Shimao Group Holdings và CIFI Holdings Group cũng đã thoát khỏi tình trạng vỡ nợ sau khi được các nhà sáng lập hỗ trợ.

Theo China Business News, kể từ tháng 7, ông Hứa Gia Ấn đã bơm hơn 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,1 tỷ USD) tiền mặt để hỗ trợ thanh khoản cho Evergrande. Con số này chiếm khoảng 1/8 trong số tài sản ước tính 7,7 tỷ USD của ông, theo Bloomberg Billionaires Index. Tuy nhiên liệu rằng khối tài sản này có đủ lớn để khỏa lấp được "núi nợ" hơn 300 tỷ USD của Evergrande hay không.

Hai nhà sáng lập của R&F cũng hứa sẽ cung cấp 8 tỷ HKD (hơn 1 tỷ USD) tài trợ ngắn hạn cho R&F, sau khi một nhà cung cấp dịch vụ bất động sản mà họ sở hữu bị bán cho đối thủ.

Hay như ông Lin Tengjiao của Yango cũng phải lấy tài sản cá nhân ra đảm bảo khi doanh nghiệp của ông tìm cách gia hạn 3 trong số các trái phiếu bằng đồng USD để tránh vỡ nợ. 3 trái phiếu này tổng dư nợ gốc là 747 triệu USD.

Tỷ phú Sun Hongbin - người sáng lập kiêm Chủ tịch và là cổ đông lớn của Sunac - cũng đã cho Sunac vay không lãi suất 450 triệu USD từ khối tài sản ròng trị giá 4 tỷ USD, theo Bloomberg.

Hai anh em Lin Zhong và Lin Feng, người đang giữ chức Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch công ty tại CIFI, cũng vừa hứa bơm 1,68 tỷ HKD (tương đương 215,7 triệu USD) cho nhà phát triển này bằng cách mua thêm cổ phiếu trong đợt phát hành thêm.

Hay như ông Hui Wing Mao, Chủ tịch HĐQT của Shimao cũng cam kết dùng 3 tầng trong tòa tháp The Center ở Hồng Kông để thế chấp cho khoản vay 1,4 tỷ HKD (180,9 triệu USD) cho Shimao.

Tỷ phú Guo Ziwen - người sáng lập kiêm Chủ tịch của nhà phát triển bất động sản Aoyuan - cũng đồng ý chi 599 triệu HKD (76,9 triệu USD) mua cổ phần mới tại Aoyuan.

Theo Bloomberg, ít nhất cho đến lúc này, những động thái như vậy của các ông trùm bất động sản đã xoa dịu phần nào lo lắng của các trái chủ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm