Bữa tiệc dâng cúng các vị thần dịp năm mới, cầu thịnh vượng

Ngọc Anh

(Dân trí) - Osechi vừa là bữa tiệc dâng cúng các vị thần của năm mới, vừa là món ăn để cầu mong sự thịnh vượng cho gia đình.

Osechi-ryori (gọi tắt là "osechi") là cỗ Tết truyền thống gồm nhiều món ăn chế biến cầu kỳ được người Nhật chuẩn bị nhân dịp năm mới dành cho gia đình hoặc bạn bè thân thích. Cỗ Osechi thường được đặt trong những hộp sơn mài xếp chồng lên nhau, gọi là "jubako".

Cũng như nhiều ngày lễ trên khắp thế giới, thức ăn dùng trong lễ Shogatsu (Tết Nhật Bản) đóng một vai trò quan trọng, gắn bó chặt chẽ với văn hóa xứ Mặt Trời mọc. Thức ăn được chế biến không chỉ ngon mà còn là điềm lành, mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt.

Bữa tiệc dâng cúng các vị thần dịp năm mới, cầu thịnh vượng - 1

Osechi-ryori không chỉ là một bữa ăn mà nó còn là một phần không thể thiếu trong phong tục Tết của người Nhật. Ảnh: Hi Asia

Có giả thuyết cho rằng, nguồn gốc của Osechi bắt nguồn từ thời Yayoi (300 TCN - 300 CN). Vào thời điểm đó, loại cỗ này được coi là một lễ vật dâng lên các vị thần để tạ ơn về vụ mùa bội thu. Lễ hội thu hoạch có tên là "sekku", thức ăn chuẩn bị cho nghi lễ do đó cũng được gọi là thức ăn sekku. Theo thời gian, lễ hội ban đầu ngày càng có thêm nhiều phong tục, sự kiện do ảnh hưởng từ Trung Quốc, và món ăn trong lễ hội cũng có một cái tên mới: osechiku. Tên hiện đại osechi bắt nguồn từ chính cái tên này.

Vào thời Edo, người dân bắt đầu đưa những tập tục vốn chỉ dành riêng cho triều đình vào cuộc sống hàng ngày. Do đó, osechi không còn dành riêng cho một bộ phận dân chúng nữa, mà trở thành một phong tục được mọi người yêu thích. Thuật ngữ "ẩm thực osechi" cũng được đặt ra trong thời gian đó.

Osechi vừa là bữa tiệc dâng cúng các vị thần của năm mới, vừa là món ăn để cầu mong sự thịnh vượng cho gia đình. Tuy nhiên, còn có một ý nghĩa khác ẩn trong osechi: "chất chứa may mắn và hạnh phúc". Đó chính là lý do tại sao nó được phục vụ trong các hộp có thể xếp chồng lên nhau.

Về hình thức, osechi truyền thống được chia thành năm hộp, thức ăn được đặt vào bốn hộp trên cùng, còn hộp dưới cùng được bỏ trống để nhận phước lành của các vị thần. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hộp ba lớp đã trở nên phổ biến.

Osechi ra đời từ trước khi có tủ lạnh, do đó, các món osechi truyền thống thường gồm những thứ có thể bảo quản, ăn ở nhiệt độ phòng và giữ được trong vài ngày, trong đó phổ biến nhất là "nimono," rau luộc trong nước tương, đường hoặc rượu mirin (một loại rượu gạo dùng để nấu ăn), cũng như các món ngâm trong muối hoặc giấm. Các loại thực phẩm có trong osechi cũng mang ý nghĩa tốt lành. Người ta cho rằng xếp vào hộp năm, bảy và chín loại món ăn khác nhau sẽ mang lại vận may đặc biệt cho bản thân, vì chúng được coi là con số may mắn.

Oesechi-ryori không chỉ là một bữa ăn mà nó còn là một phần không thể thiếu trong phong tục Tết của người Nhật. Hành động chia sẻ món ăn kỷ niệm này là một cách tuyệt vời để bắt đầu năm mới cùng gia đình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm