Bộ Xây dựng đề xuất chung cư phải có tầng lánh nạn, phòng lánh nạn
(Dân trí) - Bộ Xây dựng đưa ra nhiều quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ tại Dự thảo đang lấy ý kiến người dân.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chung cư.
Tại dự thảo lần này, với nội dung yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, Bộ Xây dựng đề xuất, căn hộ chung cư phải có tối thiểu một phòng ở, một phòng vệ sinh; Diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 25 m2; Ở dự án nhà ở thương mại phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ có diện tích dưới 45 m2 không vượt quá 30% tổng số căn hộ.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ.
Cụ thể, tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Trong tầng lánh nạn bố trí gian lánh nạn. Các gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150. Gian lánh nạn phải có diện tích đảm bảo đủ chứa được ít nhất một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên và tầng dưới của gian lánh nạn với định mức 0,3m2/người.
Gian lánh nạn phải có cửa thông với buồng thang không nhiễm khói và phải có cửa ra thang máy chữa cháy; Gian lánh nạn phải có trang thiết bị chống cháy riêng gồm: thiết bị chống tụ khói, họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, chiếu sáng sự cố, điện thoại liên lạc với bên ngoài, hệ thống truyền thanh chỉ dẫn thoát nạn… Ngoài ra, có thể sử dụng tầng kỹ thuật hoặc một phần tầng kỹ thuật làm gian lánh nạn.
Thực tế, hiện nay, hầu hết các tòa chung cư đều không bố trí tầng lánh nạn hay phòng lánh nạn, nhiều nơi, gian lánh nạn "biến" thành không gian “đa chức năng” như phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng kỹ thuật...
Thậm chí nhiều chung cư không có không gian để bố trí cho sinh hoạt chung chứ đừng nói tới tầng lánh nạn hay phòng lánh nạn.
Về công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, trước đó, báo cáo tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ Công an cho biết, hiện nay, cả nước có 4.166 nhà chung cư cao tầng, siêu cao tầng trong đó có 110 công trình đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
"Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy,...", Bộ Công an cho biết.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã hoàn thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế chung cư cao tầng tại một số địa phương để đánh giá thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vấn đề để xảy ra mất an toàn phòng chống cháy nổ tại nhà cao tầng và điều quan trọng hơn là phải đưa ra được những giải pháp có tính thực tiễn, đột phá cao nhằm hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng này.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đối với các doanh nghiệp, áp lực phải thu hồi vốn đầu tư khiến họ muốn bán được sản phẩm một cách nhanh nhất. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ trước khi bàn giao sản phẩm cho người dân.
Mặt khác, điều quan trọng hơn là do nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn phòng cháy dẫn đến gián tiếp coi thường tính mạng con người.
Hiệp hội bất động sản TPHCM từng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi nhận thức và hành động, cùng với đó là yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn thiết kế nhà cao tầng, với mục tiêu xây dựng chung cư, nhà cao tầng hiện đại phải bảo đảm an toàn, trước hết là an toàn phòng cháy chữa cháy.
Phương Dung