Bộ trưởng Xây dựng: Cần cho dự án bất động sản tốt vay để thêm nguồn cung
(Dân trí) - Ủng hộ việc kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, song Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực, dự án tốt.
Nguồn cung khan hiếm, giá bất động sản tăng cao
Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chiều nay (8/6), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có hơn 10 phút để báo cáo trước Quốc hội về tình hình phát triển thị trường bất động sản thời gian qua.
Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển…
Về hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, Bộ trưởng cho rằng về cơ bản được hoàn thiện. Giai đoạn năm 2021, quý I năm nay dù có nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh nhưng đã dần thích ứng và từng bước có dấu hiệu phục hồi.
Tổng lượng giao dịch bất động sản cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ hấp thụ ở mức cao, không phát sinh lượng tồn đọng mới, tỷ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng thương mại giảm dần...
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, thị trường vừa qua cũng đã bộc lộ những bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường này vẫn còn bất cập, cần sửa đổi để thống nhất như là hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất, xác định giá đất, quy định với loại hình bất động sản mới, quy trình thủ tục triển khai thực hiện dự án…
Thứ hai, theo Bộ trưởng, là khó khăn về nguồn cung bất động sản. Việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản còn khó khăn ở hầu hết địa phương, nguồn cung bất động sản sụt giảm ở các phân khúc, số lượng dự án mới còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở thương mại, công nhân, nhà ở xã hội, phân khúc thu nhập thấp, trung bình…
Với nhà thương mại, Bộ trưởng cho biết năm 2021, tổng số dự án hoàn thành là172 dự án, chỉ bằng 60% so với năm 2020. Trong quý I năm nay, dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 42 dự án, chỉ bằng 47% so với quý IV năm ngoái.
Về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án NOXH nhưng tốc độ triển khai rất chậm, theo tư lệnh ngành xây dựng. Đáng chú ý, các dự án này rất chậm, mới chỉ khởi động lại gần đây khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.
Thứ ba, Bộ trưởng nhận xét cơ cấu bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là trung và cao cấp, bất động sản du lịch, trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho thu nhập thấp, trung bình.
"Thứ tư, giá bất động sản, đặc biệt là đất ở, nhà ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập người dân, làm cho những người thu nhập thấp, công nhân càng khó khăn hơn tiếp cận nhà ở", Bộ trưởng nói.
Thứ năm, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát chưa tốt.
Thứ sáu, Bộ trưởng cho biết, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất, thị trường bất động sản ở một số địa phương còn tồn tại bất cập. Một số địa phương có tình trạng phân lô bán nền không đúng, không phù hợp quy hoạch thiếu hạ tầng nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Công tác thông tin, minh bạch quy hoạch chưa kịp thời.
Thứ bảy, việc kiểm soát dòng vốn vào đầu tư bất động sản chưa chặt chẽ, đặc biệt trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vẫn còn phản ánh của doanh nghiệp trong việc khó khăn tiếp cận vốn tín dụng, chưa có nguồn vốn dài hạn ổn định, Bộ trưởng nhận định.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Xây dựng, chính sách thuế đối với sử dụng, kinh doanh doanh bất động sản chưa có sự phân biệt đầu tư, sử dụng, mua đi bán lại dẫn đến đầu cơ, thậm chí còn trốn thuế trong giao dịch, gây thất thu ngân sách.
Thêm nữa Bộ trưởng cũng chỉ ra thực trạng hoạt động còn thiếu công khai minh bạch do thiếu thông tin, tung tin nhiễu loạn thị trường.
Tăng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Để khắc phục những tồn tại hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất một loạt giải pháp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, phân khúc thu nhập thấp.
Tiếp đó là theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp ổn định lành mạnh thị trường khi cần thiết, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng thúc đẩy nguồn cung.
Thứ ba là rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Thứ tư là kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Song song với việc kiểm soát, ông Nghị cho rằng cần tạo điều kiện cho vay với các doanh nghiệp có năng lực, có dự án tốt, đầy đủ pháp lý, hiệu quả, ưu tiên, đáp ứng đẩy đủ các điều kiện. Đặc biệt ưu tiên cho các dự án thương mại nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép.
Thứ năm là kiểm soát chặt chẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành theo đúng quy định, tạo điều kiện, không cản trở việc huy động vốn với các doanh nghiệp đủ năng lực, kinh doanh tốt.
Thứ sáu là cần nghiên cứu đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản. Nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan về đấu giá quyền sử dụng đất để xác định giá đất, đảm bảo thống nhất, phù hợp với thực tế địa phương.
Đồng thời khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương để tăng cường công tác quản lý nhà nước ở địa phương về quy hoạch, xây dựng thị trường bất động sản và quản lý đất đai.
"Thứ bảy là thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Siết tín dụng có thể dẫn đến hệ lụy với thị trường bất động sản
Tại phiên chất vấn chiều 8/6, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề về việc siết tín dụng thị trường bất động sản.
Theo ông Vân, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến hệ lụy là thị trường sẽ đình trệ và người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
"Trong khi đó thì mục đích quản lý của Nhà nước đó là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản và trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thì Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh", ông Vân đề nghị.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản bao gồm rất nhiều chủ thể và cũng thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư khác và tín dụng là một kênh tham gia đầu tư về thị trường bất động sản.
"Trong rất nhiều năm trở lại đây thì Ngân hàng Nhà nước đều có một chủ trương là đối với vốn tín dụng thì mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả và tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đối với lĩnh vực bất động sản, rủi ro là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng", bà Hồng nói.
Theo Thống đốc Ngân hàng, một rủi ro vô cùng quan trọng đó là rủi ro về thanh khoản, bởi vì bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn và kỳ hạn dài, trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Nếu các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được, có thể có những thời điểm khách hàng đến rút tiền thì lại chưa đòi được những khoản nợ dài hạn, bà Hồng nhấn mạnh.
Chính vì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro như vậy. Còn việc thực hiện cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản thì do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định nhưng trên cơ sở phải đảm bảo được an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng của mình và theo đó là của cả hệ thống.