Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Dư địa cải cách vẫn còn rất lớn

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư - xây dựng - đất đai được ví như một "gói cứu trợ" cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch.

Cải cách thủ tục như một "gói cứu trợ" cho doanh nghiệp

Ngày 26/11, Bộ Xây dựng và VCCI tổ chức hội nghị Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trực tiếp chủ trì với kỳ vọng nhận diện khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Nghị nhấn mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Dư địa cải cách vẫn còn rất lớn - 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định sẽ lắng nghe, cầu thị các ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp (Ảnh: Bộ Xây dựng).

Bộ trưởng cho biết vừa qua Bộ đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Riêng trong 10 tháng đầu năm nay, Bộ đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.

"Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của ngành, Bộ vẫn luôn nhận thức rằng dư địa cải cách vẫn còn rất lớn", Bộ trưởng Nghị nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc mong nhận được sự đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Trên cơ sở góp ý, ý kiến, lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong "tầm tay" của các cơ quan Nhà nước.

"Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư - xây dựng - đất đai - môi trường có tác dụng tích cực không kém một "gói cứu trợ" cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch", ông Công nói.

Vị này nhấn mạnh, cải thiện được thủ tục, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ.

Cải cách thủ tục hành chính, giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp, theo ông Công, là gói cứu trợ được khát khao nhất, mà chi phí lại thấp nhất.

Doanh nghiệp mong chờ cải cách thủ tục hơn cả trông chờ gói tài khóa

Bà Nguyễn Minh Thảo, đại diện Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương cũng cho rằng, việc cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, tạo môi trường kinh doanh tốt như một "gói hỗ trợ". Thậm chí được doanh nghiệp mong chờ hơn cả một gói tài khóa.

Bà Thảo cho biết, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm. Nhưng chúng ta vướng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài.

Hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là 166 ngày cho thủ tục từ phòng cháy chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch. Thời gian tương đối dài, có thể gấp 2, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực.

Bà Thảo cho biết, khi làm việc với địa phương, doanh nghiệp, việc sửa đổi quy định pháp luật, năm 2015-2016 Bộ Xây dựng đã kịp thời có những điều chỉnh liên quan đến quy định pháp lý để đảm bảo thuận lợi hơn, phân cấp hơn. Luật Xây dựng năm 2020 đã khắc phục một phần những chồng chéo với lĩnh vực khác. Tuy vậy, việc sửa đổi pháp luật chưa thực sự phân cấp, phân quyền cho địa phương. Thực thi trên thực tế khác biệt so với quy định, bà Thảo nêu.

Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI - cho biết, để một dự án đầu tư từ khi ý tưởng cho đến khi xong các thủ tục, hoàn thành xây dựng nhà máy và đưa vào hoạt động là hành trình thủ tục rất khó khăn.

Trong thời gian vừa qua, dù có nhiều bất cập, chồng chéo đã được tháo gỡ, tuy nhiên qua điều tra mà VCCI thực hiện, các doanh nghiệp vẫn phản ánh còn nhiều vướng mắc khi triển khai, dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan, ông Tuấn cho hay.

Báo cáo PCI năm 2019 từng phản ánh nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc trong lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính liên quan khi triển khai các dự án đầu tư. Ông Tuấn cho biết đã lựa chọn ra một số thủ tục điển hình như: Quyết định chủ trương đầu tư; Các thủ tục về đất đai giải phóng mặt bằng; Các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;

Các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy; thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thủ tục xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; Thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; Thủ tục cấp phép xây dựng; Thủ tục kết nối cấp điện; Thủ tục kết nối cấp thoát nước; Thủ tục đăng ký quyền sở hữu công trình xây dựng.

"Đây là 11 thủ tục mà nhà đầu tư thông thường phải thực hiện khi thực hiện một dự án đầu tư xây dựng trong thực tế. Nếu sự phối hợp giữa các thủ tục này chưa tốt sẽ gây khó khăn cho, rủi ro cho các nhà đầu tư", ông Tuấn nêu.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu - đã góp ý, đề nghị việc sửa đổi hợp đồng xây dựng, quy định rõ trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư. Bản thân các doanh nghiệp xây dựng khi dự thầu có tới vài bảo lãnh, còn các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách thì không có gì đảm bảo.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cũng cho biết mong mỏi Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020. Quy định này theo ông Hiệp, gây ách tắc 400 dự án ở cả TPHCM, Hà Nội...

Ngoài ra, vị này cũng đề nghị Bộ Xây dựng cho phép sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể. 

"Bình thường vấn đề thanh toán đã khó khăn rồi. Năm nay càng khó khăn. Có nhà thầu bị chủ đầu tư nợ vài nghìn tỷ đồng. Tôi xin phép không nêu tên ở đây, nhưng tâm tư của nhà thầu rất lớn. Chúng tôi mong mỏi lãi chỉ 4% chứ không dám mong nhiều. Nhưng nếu nợ nhiều năm thì lãi sẽ âm vì bản thân doanh nghiệp xây dựng cũng phải đi vay ngân hàng", ông Hiệp chia sẻ.