Khổ vì bão giá, nhà thầu còn than trời vì bị nợ vài nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho biết có nhà thầu bị chủ đầu tư nợ vài nghìn tỷ đồng, rất khó khăn.
Sáng 26/11, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, đã có những đề xuất, kiến nghị liên quan đến các vấn đề như hợp đồng, quy định quyết toán, giải phóng mặt bằng (GPMB)…
Theo ông Hiệp, ngành xây dựng hiện có trên hơn 2.000 nhà thầu. Cũng như các doanh nghiệp khác, nhà thầu trên cả nước vừa qua chịu tác động rất khắc nghiệt do dịch Covid-19.
"Các nhà thầu phải đối mặt với bão giá, giá thép có lúc tăng 40%. Nhiều loại nguyên vật liệu khác còn vừa tăng giá vừa khan hiếm", ông Hiệp nói.
"Dở khóc dở cười" vì bão giá nguyên vật liệu, ông Hiệp cho biết nhà thầu xây dựng ở trong cảnh vừa khó tìm việc, vừa lại không dám nhận việc.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng vừa qua đạt được 75-80% doanh thu đặt ra cho năm 2021. Một số rất ít vượt mục tiêu, cũng có những doanh nghiệp giảm một nửa. Nhấn mạnh đấy chỉ là những chỉ tiêu "bề nổi", ông Hiệp cho biết nhiều nhà thầu đang trong tình cảnh khó khăn với các khoản nợ, phụ thuộc khả năng thanh toán của chủ đầu tư.
"Bình thường vấn đề này đã khó khăn rồi. Năm nay càng khó khăn. Có nhà thầu bị chủ đầu tư nợ vài nghìn tỷ đồng. Tôi xin phép không nêu tên ở đây, nhưng tâm tư của nhà thầu rất lớn. Chúng tôi mong mỏi lãi chỉ 4% chứ không dám mong nhiều. Nhưng nếu nợ nhiều năm thì lãi sẽ âm vì bản thân doanh nghiệp xây dựng cũng phải đi vay ngân hàng", ông Hiệp chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu đã góp ý, đề nghị việc sửa đổi hợp đồng xây dựng, quy định rõ trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư. Bản thân các doanh nghiệp xây dựng khi dự thầu có tới vài bảo lãnh, còn các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách thì không có gì đảm bảo.
Ông Hiệp kể thêm, vừa qua nhà thầu Delta xảy ra tranh chấp trong vấn đề quyết toán ở dự án Artemis. Sau 4 năm giao nhà chủ đầu tư không ký quyết toán. Đứng trước trường hợp điển hình này, ông Hiệp đề nghị bổ sung quy định chưa ký quyết toán thì chưa được phép đưa công trình vào sử dụng.
Ông Hiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp đối phó với cơn bão tăng giá nguyên vật liệu, cần có ý kiến cụ thể hơn cho vấn đề này. Ông cũng chỉ ra bất cập khi thông báo giá của Sở Xây dựng Đà Nẵng vẫn còn lạc hậu so với thị trường, giá cập nhật thanh toán không thực tế.
Đại diện Hiệp hội nhà thầu cũng kiến nghị thúc đẩy việc sửa các luật, giảm bớt chồng chéo, khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản. Ông Hiệp cho biết, các công trình giảm hơn 40% so với năm 2019, do vậy số đầu việc của ngành xây dựng giảm sút hơn rất nhiều. Khơi thông cho bất động sản, theo ông Hiệp, cũng là hỗ trợ cho sự phát triển của ngành xây dựng.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu cũng cho biết mong mỏi Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020. Quy định này theo ông Hiệp, gây ách tắc 400 dự án ở cả TPHCM, Hà Nội. Hiện quy định này đang được xem xét, sửa đổi, doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn, rất mừng và mong quá trình này sớm được thúc đẩy.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho biết vẫn còn đang nhiều khó khăn trong công tác GPMB, cần nhanh chóng sửa những nút thắt trong chính sách này, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, giá vật liệu xây dựng đang gây áp lực rất lớn đối với ngành xây dựng. Trước đó, ở các hợp đồng chỉ tính toán ở mức tăng giá trên dưới 5%. Bởi khi đấu thầu, nếu giá thép vẫn tăng 5% thì vẫn có lãi. Nhưng vừa rồi, ông Thập cho biết, chưa từng có trong lịch sử, giá thép tăng tới 50%.
Ông Thập cho biết, vấn đề về giá nguyên vật liệu, trong đó có giá thép rất quan trọng. Vị này kiến nghị giải quyết được vấn đề "giá trọn gói" trong hợp đồng, để đề phòng biến động giá. Không giải quyết được vấn đề này, ông Thập cho biết nhiều nhà thầu có nguy cơ đổ vỡ. Theo ông Thập, có những dự án kéo dài trên 2 năm vẫn áp dụng trọn gói thì rất khó khăn cho doanh nghiệp.