Bi kịch trên “đất vàng” Hà Nội của “huyền thoại” Giày Thượng Đình?

(Dân trí) - Hoạt động sản xuất trên khu “đất vàng” 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), Giày Thượng Đình lại “ôm bi kịch” với giá thuê đất tăng cao hậu cổ phần hoá, doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động, sản phẩm kém cạnh tranh khiến “huyền thoại” này ghi nhận lỗ nặng trong suốt hai năm 2017, 2018.

Giày Thượng Đình loay hoay tìm cách "bước tiếp"

Công ty CP Giày Thượng Đình (mã chứng khoán GTD) vừa công bố tài liệu phục vụ họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới.

Báo cáo tài chính 2018 của GTD cho thấy, năm vừa rồi, doanh thu thuần đạt 174,28 tỷ đồng, giảm gần 12% so với kết quả đạt được năm 2017. Doanh thu không đủ bù chi phí, khiến GTD tiếp tục lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 16,9 tỷ đồng, lỗ ròng xấp xỉ 17 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp GTD công bố việc kinh doanh thua lỗ sau khi cổ phần hoá.

Báo cáo giải trình của GTD giải thích rằng, sau cổ phần hoá, GDT vẫn gặp khó với tình trạng chi phí chung bình quân cho một sản phẩm cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giày ở Việt Nam và Trung Quốc. Chi phí chung đưa hết vào thì giá quá cao khó có thể chào hàng được.

Thực tế, sau khi cổ phần hoá, chi phí khấu hao tăng đột biến, năm 2015 là 5,36 tỷ đồng; năm 2017 là 12,48 tỷ đồng; năm 2018 là 9,8 tỷ đồng. Tiền thuê đất năm 2015 là 4,12 tỷ đồng và năm 2018 là 6,8 tỷ đồng.

Bi kịch trên “đất vàng” Hà Nội của “huyền thoại” Giày Thượng Đình? - 1

Sản phẩm giày Thượng Đình đã kém sức cạnh tranh đáng kể so với hàng Trung Quốc và các sản phẩm nội địa khác

Lãnh đạo GTD cũng cho biết, khách hàng xuất khẩu không yên tâm đặt hàng vì có thông tin phải di dời cuối năm 2018, các khách hàng lớn có giá bán tốt dừng kế hoạch đặt hàng (trong đó có khách hàng Nhật Nippon Skin smikin năm 2016, 2017 chiếm khoảng 60-70% sản lượng giày xuất khẩu).

Theo GDT, việc thoái vốn nhà nước, kế hoạch di dời không rõ ràng làm khó cho việc hoạch định sản xuất kinh doanh, khách hàng không có kế hoạch làm ăn lâu dài. Theo lộ trình thì GTD có kế hoạch sẽ thoái vốn trong năm 2017 và 2018, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thoái vốn được.

Về kế hoạch di dời trên bản cáo bạch khi cổ phần hoá là hết năm 2018, cơ sở sản xuất tại 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) sẽ được di dời xuống Hà Nam, nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được.

Lãnh đạo GTD cũng cho biết, đầu tư máy móc thiết bị mới, cải tạo nhà xưởng không thực hiện được do công ty có kế hoạch di dời để thực hiện dự án (việc này đã họp liên sở với công ty năm 2017). Chi phí khấu hao và chi phí thuê đất tăng so với các năm trước cổ phần hoá. Riêng chi phí thuê đất, bắt đầu từ tháng 5/2018 GDT không còn được hưởng đơn giá thuê đất theo Nghị định 108/2006/NĐCP nên tiền thuê đất năm 2018 tăng 2,69 tỷ đồng so với năm 2017.

Tiền bảo hiểm không giảm được do lương tối thiểu tăng, chi phí lãi vay ngân hàng tăng vì đơn hàng xuất khẩu năm 2018 giảm nên GTD chủ yếu phải vay ngân hàng với lãi suất VND và việc thu hồi công nợ tồn đọng của những năm 2012, 2013 dù đã có quyết định của toà án nhưng không thi hành được. Đây đều là những yếu tố “cản đường” với GTD.

Nhìn chung, theo đánh giá của Ban Tổng giám đốc Giày Thượng Đình, năm 2018 là năm sản xuất kinh doanh “gặp rất nhiều khó khăn” đối với doanh nghiệp này.

Đối với thị trường và khách hàng xuất khẩu, GTD vẫn duy trì khách hàng truyền thống và phát triển thêm các khách hàng mới, cụ thể là Dauy (Novel) và KIK; duy trì thị trường phía Nam, kết hợp các công ty thương mại trong nước để sản xuất và bán các sản phẩm do công ty sản xuất là Tokyo life và Canifa.

Tuy nhiên, tình hình tài chính rất khó khăn, mất cân đối thu chi, do vậy xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan tài chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Báo cáo của HĐQT cũng cho biết, năm vừa rồi đã phải chỉ đạo Ban giám đốc rà soát, sắp xếp lại bộ máy công ty, cắt giảm lao động gián tiếp 40%.

Mai Chi