Bi hài chung cư tiếng Tây, đọc “trẹo cả lưỡi” đi từ Bắc vào Nam... tìm mãi không ra

“Mốt” đặt tên Tây cho dự án chung cư chưa khi nào lại nở rộ như bây giờ. Nghe qua cảm giác chung cư rất sang nhưng nó lại khiến nhiều người dở khóc, dở cười...

Điểm tên dự án bất động sản trên thị trường Hà Nội và TP.HCM sẽ thấy hàng loạt khu văn phòng, chung cư, hay trung tâm thương mại mang tên “tây” khiến khách hàng không khỏi hoa mắt, chóng mặt.

Tại TP.HCM, nhiều cái tên dự án dài ngoằng, khó nhớ như Angela Boutique Serviced Residence, River Garden Executive Residences, New Generation Apartment, The Era Royal Plaza, Somerset Chancellor Court, XI Riverview Palace, Dreamhome Palace, Dream Home Residence hay Dream Home Luxury Apartment...

Bi hài chung cư tiếng Tây, đọc “trẹo cả lưỡi” đi từ Bắc vào Nam... tìm mãi không ra - 1

Tên chung cư bằng tiếng nước ngoài rất phổ biến hiện nay.

Tương tự, tại Hà Nội các dự án cũng nhọc khi đọc tên như Splendora, Dolphin Plaza, Season Avenue, Roman Plaza, Rice City, Bright City, New Horizon City, Parkview Residence, The Golden Palm, Luxury Park Views...

Thậm chí, có những tên chung cư còn nửa Tây, nửa ta như Berriver Long Biên, Florence Mỹ Đình, Thăng Long Number One....

Đặt tên cho dự án là một trong những công đoạn cần có sự đầu tư về chất xám. Việc này không hề đơn giản khi nó phải lột tả được những giá trị mà chủ đầu tư muốn mang lại cho người mua; một cái tên kêu, dễ đọc, dễ nhớ nhưng cũng phải rất riêng. Không những thế, tên gọi dự án còn là một trong những yếu tố tiếp cận và thu hút người mua đầu tiên.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đặt tên chung cư toàn tiếng “Tây” ở nhiều dự án khiến nhiều người không thành thạo ngoại ngữ dễ đọc sai, đọc nhầm và đã có nhiều tình huống bi hài đã xảy ra, nhiều người đọc “trẹo cả lưỡi” mà vẫn chưa đúng....

Bi hài chung cư tiếng Tây, đọc “trẹo cả lưỡi” đi từ Bắc vào Nam... tìm mãi không ra - 2

Tên chung cư bằng tiếng Tây khiến nhiều người dở khóc, dở cười..

Đơn cử, anh Đào Văn Hùng ở chung cư Rice City Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại, khi gia đình mới mua nhà về dự án này, bố mẹ ở quê lên chơi khi tới bến xe Giáp Bát thì gọi điện hỏi tên dự án để đi taxi về. Nghe thấy tên nước ngoài khó nhớ, bố mẹ anh Hùng đưa điện thoại luôn cho lái xe nghe cho chắc.

“Nào ngờ, lái xe lại nghe tên dự án thành Bright City nên cứ đi lòng vòng cả tiếng đồng hồ rồi gọi lại là không tìm thấy tên chung cư ở đâu dù đã đi vòng quanh khu Linh Đàm 5 lần bảy lượt. Đến khi tôi phải đọc từng chữ cái tên chung cư bằng tiếng Việt thì anh lái xe mới tìm được nhà”, anh Hùng cho hay.

Trường hợp khách nói một đằng, lái xe đi một nẻo do hiểu nhầm tên chung cư là chuyện mà chị Nguyễn Thu Hằng – một nhân viên điều hành taxi cho hay. Nhớ lại những ngày mới bước chân vào nghề, chị Hằng cũng đã vô cùng mệt và gặp khó khi nghe khách hàng nói thông tin đặt xe từ đầu dây bên kia.

“Không phải người dân nào cũng đọc tiếng Anh chuẩn nên khi tên chung cư bằng tiếng anh, thậm chí cả tiếng Pháp, tôi dù căng tai nghe nhưng có lúc vẫn bị nhầm. Có những vị khách không phải là người dân sinh sống ở chung cư có tên nước ngoài loằng ngoằng mà chỉ là khách đến chơi rồi khi về họ gọi điện đặt xe, đọc tên chung cư không đúng cộng với việc có lúc lái xe còn không biết khu nhà tên tiếng nước ngoài khách vừa gọi nằm ở đâu nên rất mất thời gian”, chị Hằng cho hay.

Còn một cư dân sống ở chung cư Parkview Residence còn chia sẻ sự lo lắng về chuyện khấn vái tổ tiên. Nếu khấn địa chỉ không rõ ràng, nhất là tên chung cư tiếng nước ngoài thì sợ tổ tiên không biết đường về nhà hoặc nhầm đường.

Bi hài chung cư tiếng Tây, đọc “trẹo cả lưỡi” đi từ Bắc vào Nam... tìm mãi không ra - 3

Chủ đầu tư thì cho rằng, để tìm được một từ tiếng Việt nào đó ngắn gọn, súc tích, mang đầy đủ ý nghĩa của dự án mà chủ đầu tư nhắm đến là việc không đơn giản trong khi đó tiếng Anh lại đáp ứng được điều này.

Mặc dù cho rằng nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài là chính đáng của các chủ đầu tư, nhưng Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã từng có cả văn bản kiến nghị cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

HoREA dẫn quy định của Luật Nhà ở, cụ thể tại khoản 3 điều 19 nêu rõ: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt.

Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu đặt tên bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định...

Lý do gì khiến nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản lại phải đặt tên bằng tiếng nước ngoài? Một chủ đầu tư chia sẻ rằng, để đặt tên dự án bằng tiếng Việt là chuyện không dễ, bởi lẽ để tìm được một từ tiếng Việt nào đó ngắn gọn, xúc tích, mang đầy đủ ý nghĩa của dự án mà chủ đầu tư nhắm đến là việc không đơn giản. Trong khi đó, tiếng Anh lại ngắn gọn phù hợp, dễ chọn lựa và ấn tượng hơn.

Theo Minh Thư

VietnamNet