Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản

(Dân trí) - Văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản đa dạng, đa sắc màu và nhiều nét đẹp cuốn hút như chính tính cách con người nơi đây.

Nhật Bản là một đất nước giàu truyền thống, rất xem trọng văn hóa ứng xử và nổi tiếng với những quy định "luật bất thành văn". Không phải lúc nào họ cũng giao tiếp thông qua lời nói, có một cách nữa là thông qua cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể. Cùng tìm hiểu những bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người dân xứ hoa anh đào để hiểu hơn nữa về sự tinh tế trong giao tiếp của cả một nền văn hóa.

Cúi đầu - tuyệt đỉnh trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật

Ngôn ngữ cơ thể phổ biến nhất của người dân Nhật Bản là cúi chào. Văn hóa cúi chào của người Nhật cũng được coi như bắt tay ở phương Tây. Hành động này không chỉ là cách chào hỏi người đối diện mà còn biểu hiện sự tôn trọng với người mà bạn gặp, cho dù họ là bạn bè hay người lạ. Nếu không cúi đầu khi gặp nhau ở xứ Phù Tang, bạn sẽ bị coi là người bất lịch sự. 

Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản - 1

(Ảnh: The Epoch Times).

Có 3 kiểu chào với độ trang trọng tăng dần là Eshaku, Keirei và Saikeirei. Eshaku là cách chào nghiêng 15 độ dùng để chào đồng nghiệp hoặc khách hàng. Keirei là cách chào nghiêng 30 độ dùng trong giao tiếp với cấp trên, người lớn tuổi, người có địa vị cao hơn hoặc để nhờ vả. Còn Sankeirei là cách chào nghiêng 45 độ dùng khi gặp một nhân vật quan trọng hoặc trong trường hợp cảm ơn/xin lỗi một cách tha thiết.

Thông thường, khi tạm biệt, người Nhật sẽ cúi chào lịch sự hơn so với khi gặp mặt. Đối với người lớn tuổi hơn hay cấp trên, họ sẽ phải cúi sâu và giữ nguyên tới khi người kia quay lưng lại, hoặc đến khi cửa đóng để thể hiện sự kính trọng. Với người có cấp bậc hay tuổi tác hơn nhiều thì càng phải cúi thấp và giữ yên tư thế đó lâu hơn bình thường.

Chỉ vào bản thân

Nhiều du khách có thể thấy điều này rất lạ, nhưng ở Nhật, người ta dùng hành động chỉ vào mặt khi nói về bản thân. Người bản địa thường dùng ngón trỏ để chỉ vào mặt, gần mũi.

Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản - 2

(Ảnh: Live Japan).

Bên cạnh đó, việc chỉ tay vào người hoặc vật ở Nhật Bản được xem là hành động thô lỗ. Thay vì hành động chỉ tay, kể cả khi chỉ đường, người Nhật thường dùng cả bàn tay nhẹ nhàng hướng về chủ thể mà mình muốn nói đến.

Thậm chí khi muốn ra hiệu cho ai đó đi về phía mình người Nhật cũng không sử dụng hành động vẫy tay như các nước khác. Họ thường hướng lòng bàn tay vào phía mình, giữ nguyên cổ tay và di chuyển bàn tay lên xuống.

Giao tiếp bằng ánh mắt 

Bạn đã bao giờ có ý định giao tiếp với một người Nhật bằng ánh mắt nhưng đáp lại, họ chỉ nhìn đi chỗ khác ? Lý do là vì cử chỉ này đối với người Nhật được xem là thô lỗ vì nó khiến đối phương không thoải mái và nhiều khi nó có thể bị hiểu nhầm như một hình thức công kích hay gây hấn. Do đó, khi nói chuyện với người Nhật, chỉ nên trao đổi ánh mắt rất nhanh và sau đó chuyển điểm nhìn đến 1 vị trí phù hợp hơn như cổ của đối phương chẳng hạn. 

Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản - 3

(Ảnh: Manners and Culture).

Theo truyền thống Nhật Bản, trong một tập thể người duy nhất có quyền nhìn vào mắt người khác phải là người đàn ông lớn tuổi nhất, hoặc là người có địa vị cao nhất.

Vẫy tay để nói "không"

Khi người Nhật Bản sử dụng cử chỉ vẫy tay qua lại trước mặt người đối diện, với ngón cái hướng về phía đối tác và ngón tay út hướng xa ra, nó biểu đạt nghĩa là "không". Ví dụ, khi họ bị buộc tội về điều gì đó, nó ngụ ý "không phải tôi" hoặc "không được", "tôi không làm".

Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản - 4

(Ảnh: Live Japan).

Nếu ai đó hỏi bạn có thể làm gì đó không, cử chỉ này có nghĩa là "không, tôi không thể." Nó cũng có thể được sử dụng để nói "không, cảm ơn" khi ai đó cố gắng đưa cho bạn thứ mà bạn không cần.

Hành động khoanh tay trước ngực cũng biểu đạt sự từ chối tương tự với "không" nhưng ở mức độ tiêu cực và gay gắt hơn.

Chữ O đồng ý 

Ngoài cách gật đầu như ở phương Tây, người Nhật còn thể hiện sự đồng ý bằng cách tạo một hình chữ O lớn với 2 cánh tay giơ trên đầu. Cũng có thể tạo thành nắm đấm và đập vào lòng bàn tay còn lại với ý nghĩa: "Tôi đồng ý với những gì bạn nói".

Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản - 5

(Ảnh: Pakutaso).

Tôi không biết

Vẫy thẳng tay phía trước miệng với ngón cái tiến dần đến mặt khi bạn muốn thể hiện "Tôi không biết!". Cũng có thể lắc đầu cùng lúc, nhưng chuyển động của đầu và tay phải ngược chiều nhau. Nếu bạn hỏi đường và thấy cử chỉ này, điều đó có nghĩa người đó không hiểu ngôn ngữ bạn nói hoặc họ không thể chỉ đường, hãy hỏi người khác nhé.

Đếm số bằng một tay

Khi người Nhật đếm từ 1 đến 10, họ sẽ chỉ sử dụng một tay. Số 0 là bàn tay mở rộng. Bắt đầu với bàn tay mở, lần lượt khép ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út để đếm từ 1 đến 5; và làm ngược lại mở ngón út, ngón áp út đến hết để đếm từ 6 đến 10.

Bí ẩn trong ngôn ngữ cơ thể của người Nhật Bản - 6

(Ảnh: Tsunagu Japan).

Để đếm cho người khác nhìn, họ sẽ đưa lòng bàn tay về phía trước và lần lượt đưa các ngón tay lên. Đếm từ 1 đến 5 theo thứ tự ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út và cuối cùng là ngón cái; và làm như vậy với tay còn lại nếu muốn đếm từ 6 tới 10.

Trên đây chỉ là một vài điểm nổi bật trong vô vàn quy tắc ngôn ngữ cơ thể trong văn hóa ứng xử của người Nhật Bản. Đất nước này có rất nhiều điều thú vị để chúng ta khám phá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm