Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản

PV

(Dân trí) - Furoshiki là kỹ thuật sử dụng các nút thắt để gói đồ vật cho chắc chắn, nhưng chính những nút thắt này lại mang lại nét hấp dẫn và tính nghệ thuật cho cả món quà.

Nhiều nét nghệ thuật nổi tiếng nhất của xứ Phù Tang lại xuất phát từ mục đích sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Điều này đúng với thư pháp Nhật Bản - giải pháp cho nhu cầu về một loại chữ viết thống nhất trong quy trình hành chính, và Kintsugi - nghệ thuật vá gốm bằng vàng để sửa chữa những món đồ gốm bị hỏng. Furoshiki cũng là một trường hợp tương tự.

Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 1
Furoshiki là nghệ thuật gói quà bằng vải rất nổi tiếng của Nhật Bản. Nguồn ảnh: JPInfo

Kể từ khi Furoshiki xuất hiện đến nay, người Nhật không chỉ biến nó trở thành một nghệ thuật gói quà bằng vải độc đáo, mà còn làm chủ được công nghệ dệt vải để vận chuyển và bọc các vật dụng. Furoshiki cũng ngày càng phổ biến, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới như một phong cách sống thân thiện với môi trường và sự thay thế hiện đại cho việc gói quà vào các dịp lễ.

Furoshiki là gì?

Dưới triều đại Nara, vải bọc một vật được gọi là tsutsumi, có nghĩa là "gói" hoặc "món quà". Nó chủ yếu được sử dụng để bọc hàng hóa và báu vật quan trọng tìm thấy trong các ngôi đền Nhật Bản. Trong thời kỳ Heian (794 - 1185), vải bọc đồ vật được gọi là koromo utsumi và chủ yếu sử dụng để bọc quần áo.

Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 2
Điểm tinh tế nhất trong nghệ thuật Furoshiki là các nút thắt và xếp nếp. Nguồn ảnh: Shiho Masuda

Thuật ngữ Furoshiki, ghép từ Furo (nhà tắm) và shiki (trải), được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Muromachi, kéo dài từ năm 1136 đến năm 1573. Người ta tin rằng Ashikaga Yoshimitsu, một Shogun ở thời này, đã lắp đặt một nhà tắm lớn trong dinh thự của mình và mời các lãnh chúa phong kiến khác đến nghỉ ngơi và sử dụng. Những vị khách này sẽ quấn kimono của họ trong vải Furoshiki khi họ tắm để không bị lẫn đồ đạc với những người khác. Những tấm vải bọc được trang trí bằng gia huy và biểu tượng của các lãnh chúa như một dấu hiệu nhận biết. Nhiều lãnh chúa cũng có thói quen đứng trên tấm vải này để lau khô sau khi tắm.

Furoshiki nhanh chóng trở nên phổ biến với tầng lớp dân chúng, vì nhà tắm là nơi họ tắm rửa, thư giãn và giao lưu. Không lâu sau đó, Furoshiki được sử dụng cho các mục đích khác như gói sách, bọc quà tặng và hàng hóa.

Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 3
Furoshiki ngày càng phổ biến trên thế giới. Nguồn ảnh: Bristol Mag

Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Yuriko Koike đã quảng bá nghệ thuật Furoshiki trong nỗ lực của chính phủ nước này để nâng cao nhận thức về môi trường và giảm thiểu việc sử dụng nhựa. Ngày nay, học sinh Nhật Bản sử dụng hộp bento bọc vải và nhiều người lựa chọn khăn vải để có một gói quà thân thiện với môi trường.

Những nút thắt làm nên tính nghệ thuật

Điểm chính trong nghệ thuật Furoshiki là một tấm vải vuông, phổ biến nhất là 45x45 (cm) và 70x70 (cm). Nhưng tùy thuộc vào hình dạng và kích thước của món quà, tấm vải bọc có thể nhỏ bằng lòng bàn tay hoặc lớn bằng một chiếc ô tô. Tấm vải này có bề ngoài phong phú từ độ dày cho đến hoa văn và màu sắc và cũng là những nhân tố quan trọng tạo nên sự độc đáo của nghệ thuật Furoshiki.

Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 4
Học sinh Nhật Bản cũng sử dụng hộp bento bọc vải. Nguồn ảnh: Livegreen
Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 5
Màu sắc và hoa văn của tấm vải cũng là những yếu tố tạo nên vẻ đẹp của Furoshiki. Nguồn ảnh: Broadwaytower

Về cơ bản, Furoshiki là kỹ thuật sử dụng các nút thắt để gói đồ vật cho chắc chắn, nhưng chính những nút thắt này lại mang lại nét hấp dẫn và tính nghệ thuật cho cả món quà. Tùy vào sự sáng tạo của người bọc quà mà các nút thắt và các xếp nếp gấp của tấm vải sẽ được sắp đặt ngẫu hứng để tạo ra các hình thức Furoshiki khác nhau. Không có giới hạn nào trong việc sáng tạo các kiểu bọc quà Furoshiki. Trải qua nhiều thế kỷ, các kỹ thuật gói bọc đã được phát triển, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến nay, có khoảng một trăm cách gói Furoshiki.

Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 6
Furoshiki được sử dụng cả trong trang trí nội thất. Nguồn ảnh: Furoshiki Kyoto
Nét tinh tế trong nghệ thuật gói quà Furoshiki Nhật Bản - 7
Furoshiki còn được sử dụng để trang trí không gian nội thất. Nguồn ảnh: NYMag

Bên cạnh việc gói đồ, Furoshiki còn được sử dụng để trang trí không gian nội thất như gói bọc các bình hoa, chai rượu, giỏ đựng trái cây, chậu cây cảnh… mang lại sự tinh tế cho cả căn phòng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm