Bên trong Trung tâm không chất thải ở Tokushima

Châu Anh

(Dân trí) - Kamikatsu ở Đông Tokushima gây chú ý trên toàn thế giới bởi luôn mang trong mình tham vọng lớn về một thị trấn tái sử dụng và tái chế tất cả rác thải.

Từ góc nhìn tổng quan, người ta đặt ra câu hỏi và giả thiết về việc tại sao cơ sở tái chế và trung tâm không chất thải của Kamikatsu lại nổi tiếng như vậy. Trung tâm tái chế và các cơ sở liên quan hay "Hotel Why" là dự án được hình thành nhằm phục vụ như là điểm tập trung, nơi người dân thị trấn có thể bỏ đồ tái chế, để đồ trong cửa hàng trao đổi và thỉnh thoảng sử dụng dịch vụ tại các tiệm giặt là hoặc quán cà phê.

Nhưng dự án này chưa bao giờ chỉ dành cho người dân địa phương. Ngay từ đầu, tầm nhìn của Kamikatsu là nâng cao nhận thức trên khắp Nhật Bản và thế giới về việc tạo ra các phương thức sống bền vững hơn.

Bên trong Trung tâm không chất thải ở Tokushima - 1

Dự án "Why" là dự án tái chế và tái sử dụng rác thải mà Kamikatsu mong muốn có thể phát triển nhân rộng trên khắp Nhật Bản.

20 năm để hình thành một xã hội không rác thải

Kamikatsu là thị trấn đầu tiên giới thiệu hệ thống phân loại 9 loại rác vào năm 1997 và nhanh chóng tăng lên 35 loại vào năm 2001. Năm 2003, thị trấn tuyên bố mục tiêu trở thành thị trấn không rác thải và sẽ tái chế 100% rác thải vào năm 2020. Những thay đổi đối với hệ thống vào năm 2016 đã phân ra tổng cộng 45 loại rác và chương trình kiểm định không chất thải cho các doanh nghiệp địa phương được bắt đầu.

Bên trong Trung tâm không chất thải ở Tokushima - 2

Để đạt được thành công trong việc hình thành xã hội không rác thải, cần đến rất nhiều sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Kể từ năm 2019, Kamikatsu đã tái chế thành công 80,7% chất thải của mình. Ông Hiroki Tamura, thành viên điều hành Trung tâm Chất thải Zero cho biết: "Tại thời điểm này, chúng tôi đã đạt đến giai đoạn mà chỉ nỗ lực cũng là không đủ. Một số thứ, chẳng hạn như khóa kéo, không thể tách rời hoàn toàn và do đó không thể tái chế. Bước tiếp theo chúng tôi đã thực hiện - là giáo dục các nhà sản xuất về lợi ích của các phương pháp bền vững, đồng thời hợp tác với họ và các trường đại học để tạo ra các phương pháp bền vững hơn cho tương lai. Chúng tôi không thể đạt được mục tiêu của mình nếu toàn bộ ngành không chịu thay đổi".

Thay đổi cách sống mới từ việc tái chế

Tamura hay còn được gọi là "u-turnee", người đã trở lại Kamikatsu sau một thời gian ở Aichi, nơi anh từng làm tại một công ty bắt đầu thu phí túi nhựa từ năm 2009. Đối với anh, khía cạnh sống bền vững hơn đã có khi anh gia nhập Big Eye Company, Ltd, công ty điều hành cơ sở tái chế.

Khi được hỏi anh và những người dân khác trong thị trấn đã điều chỉnh như thế nào đối với các quy tắc tái chế nghiêm ngặt, Tamura cho biết thói quen của mọi người đã thay đổi rất nhiều kể từ khi hệ thống bắt đầu. "Họ từng - giống như nhiều nơi ở nông thôn Nhật Bản - đốt rác trong vườn của họ hoặc vứt rác ở khu vực gần đó".

"Đối với cá nhân tôi, tái chế rác đã giúp tôi ý thức hơn về thói quen tiêu dùng của mình. Tôi không mua bất cứ thứ gì có bao bì phức tạp trừ phi không có gì để thay thế. Ví dụ, tôi thích hương vị của Pringles hơn nhưng tôi phải tách bao bì thành bốn phần khác nhau khi tôi tái chế nó. Chipstar chỉ có hai phần, vì vậy tôi lựa chọn mua", anh chia sẻ.

Mặc dù Kamikatsu và 1.500 cư dân của thị trấn chỉ là một phần nhỏ của dân số Nhật Bản - và thậm chí là một phần nhỏ hơn của thế giới nói chung - nhưng những người dân ở đây vẫn tin rằng cách tiếp cận chủ động của mình sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới suy nghĩ về các hoạt động hàng ngày của họ và ảnh hưởng của chúng tới môi trường xung quanh.

Cuộc sống ở Kamikatsu dành cho du khách

Chỉ người dân Kamikatsu mới được phép sử dụng trạm thải, nhưng du khách có thể tham gia các chuyến tham quan học tập để xem nó hoạt động như thế nào. Họ cũng có thể nhận các mặt hàng để mang về nhà tại Kuru Kuru Shop, một cửa hàng trao đổi ở trung tâm, nơi người dân gửi đồ gia dụng và thiết bị vẫn còn sử dụng được.

Các mặt hàng phải được đăng ký và cân trước khi mang về nhà, vì trung tâm ghi lại mọi thứ. Kuru Kuru vận chuyển khoảng 500-1.500 kg hàng hóa mỗi tháng, tổng cộng khoảng 10 tấn hàng năm.

Học tập và định cư

Bên trong Trung tâm không chất thải ở Tokushima - 3

Các du khách có thể tự mình đến trải nghiệm cuộc sống "tái chế rác" tại Hotel Why.

Hotel Why khai trương vào tháng 5 năm 2020, là nỗ lực mới nhất nhằm khuyến khích những người bên ngoài tìm hiểu về tái chế thông qua các trải nghiệm. Tòa nhà hình bát giác, cũng như cơ sở tái chế chính, được xây dựng bằng cách sử dụng chủ yếu là gỗ còn sót lại và chất thải tái chế như xẻng và bánh xe đạp.

Không có đồ vệ sinh cá nhân dùng một lần hay đồ ngủ - khách cần tự mang theo bàn chải đánh răng và đồ vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, ở đây còn có một chuyến tham quan nghiên cứu khi nhận phòng và du khách có thể tự mình kiểm tra khả năng phân loại tái chế nghiêm ngặt của thị trấn khi thanh toán trả phòng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm